Lược Sử Các Giới Đàn Tại Bình Định Từ Đầu Thế Kỷ 20 Đến Nay

Chủ nhật - 02/12/2018 00:32
Giới-Định-Tuệ (sīla-samādhi-paññā) là nội dung tu học và hành trì của người xuất gia vì đây là đây là con đường độc nhất đưa đến giải thoát, Niết-bàn. Giới kinh dạy rằng: “Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ - Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”. ‘Tỳ ni tạng trụ’ có thể hiểu là giới luật còn tồn tại, còn lưu trữ trên văn bản hay trong kí ức, và đặc biệt còn người hành trì.
Lược Sử Các Giới Đàn Tại Bình Định Từ Đầu Thế Kỷ 20 Đến Nay
Lược Sử Các Giới Đàn Tại Bình Định Từ Đầu Thế Kỷ 20 Đến Nay
Thích Nhuận Huệ
Giới-Định-Tuệ (sīla-samādhi-paññā) là nội dung tu học và hành trì của người xuất gia vì đây là đây là con đường độc nhất đưa đến giải thoát, Niết-bàn. Giới kinh dạy rằng: “Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ - Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”. ‘Tỳ ni tạng trụ’ có thể hiểu là giới luật còn tồn tại, còn lưu trữ trên văn bản hay trong kí ức, và đặc biệt còn người hành trì. Nói cách khác, nơi nào có Giới sư thanh tịnh truyền giới, có người phát tâm thọ giới, học giới và hành trì giới thì nơi đó Phật pháp vẫn còn tồn tại và ngược lại.
Từ đầu thế kỉ 20, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được vận động trên khắp 3 miền. Khởi xướng phong trào này là Hòa thượng Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu. Bên cạnh các công tác chấn hưng như mở trường đào tạo tăng tài, thành lập các tờ báo để truyền bá giáo lí, xây chùa và cổ động quần chúng quy y, các ngài còn chú trọng mở trường Hương để dạy luật và mở giới đàn để “tuyển người làm Phật” hầu tiếp nối sinh mạng Phật pháp.
Vì thế, giới đàn chính là một Phật sự trọng đại và thiêng liêng trong sứ mệnh “tục Phật huệ mạng”, truyền trì mạng mạch của Tăng-già. Nơi nào khai đàn thí giới thì đó là chỉ dấu quan trọng cho thấy nơi đó mạch sống của Phật giáo đang được tương tục, tiếp diễn và giới đàn chính là cột mốc chính và quan trọng để tìm hiểu bối cảnh và toàn cảnh sinh hoạt của Tăng-già trong dòng lịch sử của Phật giáo.
Trong ý nghĩa đó, người viết cố gắng sưu lục các giới đàn diễn ra tại Bình Định từ đầu thế kỉ 20 đến nay. Vì tư liệu còn khan hiếm nên chắc chắn bài viết còn nhiều thiếu sót, kính mong các bậc cao minh chỉ giáo và bổ túc cho bài viết được hoàn chỉnh.
Năm Bính Ngọ (1906), Tổ đình Thập Tháp[1], huyện An Nhơn, khai đàn thí giới, cung thỉnh Hòa thượng Vĩnh Gia (1840-1918) làm Yết-ma A-xà-lê.
Năm Bính Thìn (1916), Tổ đình Long Khánh[2], Quy Nhơn, khai trường Kỳ giới đàn. Hòa thượng Pháp Cự được cung thỉnh vào ngôi Giáo thọ A-xà-lê.
Năm Đinh Tỵ (1917), chùa Trường Giác, huyện Tuy Phước khai Đại giới đàn và cung thỉnh Hòa thượng Chơn Phước-Huệ Pháp làm Đệ nhất Tôn chứng.
Năm Kỷ Mùi (1919), chùa Khánh Lâm[3], huyện Tuy Phước khai đàn thí giới, do Hòa thượng Chí Hưng làm Đàn đầu. Hòa thượng Tâm Tịnh-Huệ Chiếu là giới tử thọ Cụ túc giới tại giới đàn này.
Năm Canh Thân (1920), chùa Châu Long (nay là Tổ đình Tịnh Lâm, huyện Phù Cát)[4] khai đàn thí giới do Pháp sư Trừng Chiếu-Phổ Huệ (1870-1931) làm Đàn đầu. Hòa thượng Ấn Bình-Bửu Quang (1863–1921) làm Giới sư. Hòa thượng Tăng Cang Trí Thắng (1891-1975), trụ trì Tổ đình Thiên Hòa, thọ Cụ túc tại giới đàn này.
Năm Giáp Tý (1924), Tổ đình Linh Phong, huyện Phù Cát mở giới đàn. Hòa thượng Chơn Phước-Huệ Pháp được cung thỉnh vào ngôi Giáo thọ A-xà-lê.
Năm Đinh Mão (1927), Hòa thượng Trừng Chấn-Chánh Nhơn (1882-1948) đã mở trường Hương[5] tại Tổ đình Long Khánh, cung thỉnh Hòa thượng Như Đắc-Từ Nhẫn (1899-1950) làm Thiền gia Pháp chủ kiêm Bố-tát Hòa thượng và kính thỉnh rất đông chư vị Đại tăng tài đức như Quốc sư Phước Huệ (1869-1945) chùa Thập Tháp, Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) chùa Tuyên Linh, Hòa thượng Trí Hải-Bích Liên (1876-1950), Hòa thượng Huyền Ý (1891-1951) chùa Liên Tôn, Hòa thượng Như Huệ-Hoằng Thông (1894-1972) chùa Bạch Sa, Hòa thượng Chơn Phước (1887-1975) chùa Minh Tịnh, … để giảng dạy kinh luật cho chư tăng trong và ngoài tỉnh. Sau khi mãn trường Hương 3 tháng, Tổ đình Long Khánh tiếp tục mở trường Kỳ, khai đàn thí giới do Hòa thượng Trừng Chấn-Chánh Nhơn làm Đàn đầu, Hòa thượng Từ Nhẫn làm Yết-ma A-xà-lê. Hòa thượng Tâm Tịnh-Huệ Chiếu làm Hóa Chủ. Giới tử thọ Sa-di có Hòa thượng Giác Tánh, …
Năm Tân Mùi (1931), chùa Gia Khánh tổ khai Giới đàn Gia Khánh, do Hòa thượng Huyền Ngộ (1879-1937) làm Đàn đầu, ngài Trí Hải-Bích Liên làm Yết-ma A-xà-lê. Giới tử thọ Cụ túc giới có Hòa thượng Giác Tánh, …
Cũng trong năm Tân Mùi (1931), chùa Sắc tứ Phước Sơn, huyện Hoài Nhơn mở Trường kỳ giới đàn, đã cung thỉnh Hòa thượng Chơn Hương-Chí Bảo làm Chứng minh, Hòa thượng Cam Lộ làm Đàn đầu, Hòa thượng Trí Hải-Bích Liên làm Tuyên luật sư. Giới tử Tỳ-kheo có ngài Huyền Hy, giới tử Sa-di có ngài Bảo An.
Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng Như Phước-Tường Quang (1880-1976) mở giới đàn tại chùa sắc tứ Phước Sơn, huyện Hoài Nhơn vào ngày vía Bồ-tát Quan Thế Âm (19/6) do ngài làm Đàn đầu, Hòa thượng Khánh Tín làm Giới sư. Hòa thượng Như Bình-Giải An (1914-2003) là giới tử thọ Cụ túc giới tại giới đàn này.
Năm Ất Hợi (1935), Tổ đình Tịnh Lâm, huyện Phù Cát mở Đại giới đàn. Hòa thượng Huyền Giác làm Đàn chủ và giới sư. Đại giới đàn đã cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ làm Đàn đầu. Ngài Mật Hiển (1907-1992) được chọn làm Tỳ-kheo Thủ Sa-di, ngài Huyền Quang làm Thủ điệu.
Năm Bính Tý (1936), chùa Bích Liên, huyện An Nhơn mở giới đàn ngày 15 tháng 6 do Hòa thượng Trí Hải-Bích Liên làm Đàn đầu. Giới tử Tỳ-kheo có ngài Huyền Huy, ngài Bích Nguyên.
Năm Đinh Sửu (1937), Đại giới đàn tại Tổ đình Tịnh Lâm, huyện Phù Cát do Hòa thượng Tâm Minh-Huyền Giác, trú trì Tổ đình Tịnh Lâm, tổ chức và làm Đàn đầu, Hòa thượng Giác Nhiên làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Hoằng Thông làm Giáo thọ A-xà-lê. Ngài Mật Nguyện (1911-1972) là giới tử Tỳ-kheo, Hòa thượng Quảng Động-Phước Thành được truyền tam đàn thọ cụ tại giới đàn này.
Cũng trong năm Đinh Sửu (1937), Hòa thượng Chơn Hương-Chí Bảo (1869-1948) mở giới đàn tại Tổ đình Hưng Khánh[6], huyện Tuy Phước do ngài làm Đàn đầu. Hòa thượng Như An-Huyền Quang (1920-2008), mặc dù mới 18 tuổi nhưng với tư chất đặc biệt xuất chúng nên đã được đặc cách thọ Cụ túc giới và đậu thủ khoa trong kì thi khảo hạch.
Năm Tân Tỵ (1941), Hòa thượng Tâm Minh-Huyền Giác mở giới đàn tại Tổ đình Tịnh Lâm và làm Đàn đầu. Hòa thượng Tâm Hóa-Huệ Đồng (1919-1999), Thượng tọa Như Phẩm-Huyền Hoa (1919-1974), Thượng tọa Như Thông-Huyền Ngộ (1922-1969), … thọ Đại giới tại giới đàn này.
Cũng trong năm Tân Tỵ (1941), Hòa thượng Như Phước-Tường Quang (1880-1976), vốn là Tổ khai sơn của 5 chùa: Phước Sơn, Cam Lộ (Hoài Nhơn), Dương Chi, Thiền Tôn (Phù Mỹ), Phước Lâm (Hoài Ân), đã khai đàn thí giới và do ngài làm Đàn đầu.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Hòa thượng Tâm Tịnh-Huệ Chiếu (1895-1970) mở Đại giới đàn tại Tổ đình Thiên Đức[7] do ngài làm Đàn đầu. Ngài cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ làm Chứng minh, Hòa thượng Chơn Phước-Huệ Pháp làm Yết-ma A-xà-lê; Hòa thượng Tăng cang Trí Thắng làm Tuyên luật sư. Giới tử thọ Tỳ-kheo có đến trên 100 vị; giới tử Sa di có Hòa thượng Giác Ngộ, Hòa thượng Luật sư Đỗng Minh (1927-2005), Hòa thượng Giác Trí, ngài Huệ Thắng, …
Cùng năm Nhâm Ngọ (1942), Tổ đình Hưng Khánh mở trường Hương rồi khai đàn thí giới. Hòa thượng Chơn Hương-Chí Bảo làm Đàn đầu. Trong giới đàn này, Hòa thượng Tâm Hoàn–Huệ Long và Hòa thượng Không Tín-Kế Châu đồng được chọn là Tỳ-kheo Vĩ Sa-di. Hòa thượng Thị Huệ-Bảo An, Hòa thượng Thị Công-Đồng Thiện cũng là giới tử Tỳ kheo, Hòa thượng Tâm Hy-Trí Minh, Hòa thượng Đồng Huy (1919-2010) là giới tử Sa-di tại giới đàn này.
Năm Kỷ Sửu (1949),Tổ đình Hưng Khánh, huyện Tuy Phước mở giới đàn, cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ làm Chứng minh Đạo sư, Hòa thượng Chơn Hương-Chí Bảo làm Đàn đầu, Hòa thượng Giác Hạnh làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Vĩnh Thừa làm Giáo thọ A-xà-lê. Ngài Tâm Hướng là giới tử Tỳ-kheo.
Năm Nhâm Thìn (1952), chư Tôn đức bản Tỉnh tổ chức trường Hương 3 tháng rồi khai đàn thí giới ở chùa Thiên Bình, huyện An Nhơn để trao truyền giới pháp cho hàng trăm Tăng chúng. Giới đàn này do Hòa thượng Như Từ-Tâm Đạt làm Hóa Chủ và Giáo Thọ A-xà-lê, Hòa thượng Tâm Tịnh-Huệ Chiếu và Hòa thượng Chơn Phước-Huệ Pháp đồng Chứng minh, Hòa thượng Không Hoa- Huệ Chiếu (1895-1965) chùa Thập Tháp làm Đàn Đầu, Hòa thượng Thị Chí-Phúc Hộ (1904-1986) chùa Từ Quang (Phú Yên) làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Giác Tánh làm chấp sự trong Ban Kiến đàn và Tôn chứng sư. Giới tử có những vị như Hòa thượng Giác Ngộ, Hòa thượng Giác Lâm, ngài Như Thiền-Huyền Ân (1920-1973), ngài Như Kế-Huyền Đức (1933-1970), Hòa thượng Tâm Thật-Thiện Châu[8] (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam), … Hòa thượng Nguyên Uyên-Giác Ngộ (1924-2010) được chọn làm Tỳ-kheo Thủ Sa-di.
Năm Đinh Dậu (1957), chùa Nhạn Sơn, huyện An Nhơn mở giới đàn, cung thỉnh Hòa thượng Không Hoa-Huệ Chiếu làm Đàn đầu, Hòa thượng Trí Diệu làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Trí Nhàn làm Giáo thọ A-xà-lê. Ngài Nguyên Ngôn là giới tử Sa-di.
Năm Nhâm Dần (1962), chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Hòa thượng Chơn Phước-Huệ Pháp làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới.
Năm Quý Mão (1963), Tổ đình Long Khánh, Quy nhơn mở giới đàn do Hòa thượng Tâm Hoàn làm Đàn đầu. Hòa thượng Bảo An, Hòa thượng Nguyên Trạch-Giác Lâm được cung thỉnh làm Giới sư.
Tháng Mậu Thân (1968), Đại Giới đàn tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn do Hòa thượng Tâm Tịnh-Huệ Chiếu, Hòa thượng Tâm Hòa-Huệ Long làm Hóa chủ, đã cung thỉnh Hòa thượng Phúc Hộ làm Đàn đầu, Hòa thượng Tâm Đạt làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Giác Tánh và Hòa thượng Mật Nguyện làm Giáo thọ A-xà-lê, Hòa thượng Kế Châu làm Chánh chủ đàn.
Cuối năm 1975, Hòa thượng Giác Tánh cùng Tăng chúng Tổ đình Hưng Long, không ngại mọi khó khăn do thời cuộc mang lại, đã tổ chức Giới đàn từ 28-30 tháng 11 năm Bính Thìn [30/12/1975-1/1/1976]. Giới đàn đã như pháp truyền trao giới pháp cho hơn 70 giới tử Sa-di và khoảng 75 giới tử Tỳ-kheo. Đa số giới tử tại Giới đàn này đến nay còn đang lãnh đạo, hoằng pháp tại Tỉnh nhà, khắp nơi trong nước và hải ngoại. Tại Giới đàn này, Hòa thượng Từ Nhơn chùa Thọ Sơn là Đàn đầu, Hòa thượng Giác Tánh đãi lao ngồi truyền giới, Hòa thượng Không Tín-Kế Châu (1922-1996) làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Tâm Hoàn-Huệ Long (1924-1981) làm Giáo thọ A-xà-lê.
Năm Kỷ Tỵ (1989), chư Tôn đức tỉnh Nghĩa Bình tổ chức Đại Giới đàn Nguyên Thiều tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn. Hòa thượng Kế Châu làm Chánh chủ đàn kiêm Chứng minh, Hòa thượng Giải An được cung thỉnh làm Đàn đầu; Hòa thượng Tâm Hóa-Huệ Đồng (1919-1999) làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Tịnh Diệu làm Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng Tâm Hoa được cung thỉnh làm Đàn đầu Ni.
Năm Giáp Tuất (1994), chư Tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại Giới đàn Phước Huệ tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn. Hòa thượng Kế Châu được cung thỉnh làm Đàn Đầu, Hòa thượng Phước Thành làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Thiện Nhơn và Hòa thượng Nguyên Trạch làm Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng Tâm Hoa được cung thỉnh làm Đàn đầu Ni tại tiểu giới trường chùa Tâm Ấn.
Năm Canh Thìn (2000), Đại giới đàn Giác Tánh do BTS PG tỉnh Bình Định tổ chức từ ngày 25 đến 27.5 (tức từ mùng 2 đến 4.5 Kỷ Sửu) tại Tổ đình Long Khánh (dành cho tăng) và chùa Tâm Ấn (dành cho ni). Hòa thượng Thị Huệ-Bảo An được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư, Hòa thượng Phước Thành được cung thỉnh làm Đàn Đầu, Hòa thượng Thiện Duyên làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Thiện Nhơn làm Trưởng Ban Kiến đàn và Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng Tâm Hoa được cung thỉnh làm Đàn đầu Ni. Đại giới đàn đã như luật truyền trao giới pháp cho 1.100 giới tử xuất gia và tại gia.
Năm Giáp Thân (2004), Đại giới đàn Huệ Chiếu (Từ Huệ Chiếu) do BTS PG tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn. Hòa thượng Phước Thành được cung thỉnh làm Đàn đầu,  Hòa thượng Thiện Nhơn làm Trưởng Ban Kiến đàn và Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Nguyên Trạch-Giác Lâm làm Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng Tâm Hoa được cung thỉnh làm Đàn đầu Ni.
Năm Kỷ Sửu (2009), Đại giới đàn Giác Tánh do BTS PG tỉnh Bình Định tổ chức từ ngày 25 đến 27/5/2009 (tức ngày 2-4/5/Kỷ Sửu) tại Tổ đình Long Khánh dành cho giới tử tăng và chùa Tâm An dành cho giới tử ni. Hòa thượng Quảng Động-Phước Thành (1918-2014) được cung thỉnh làm Đàn đầu, Hòa thượng Quảng Phước-Thiện Nhơn (1930-2013) làm Trưởng Ban Kiến đàn và được cung thỉnh vào ngôi Yết-ma A-xà-lê. Hòa thượng Viên Quán, Hòa thượng Nguyên Chơn đồng ngôi Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng Tâm Hoa được cung thỉnh làm Đàn đầu Ni. Đại giới đàn đã truyền trao giới pháp cho 215 giới tử xuất gia và 925 giới tử tại gia.
Năm Quý Tỵ (2013), Đại giới đàn Kế Châu do BTS PG tỉnh Bình Định tổ chức từ ngày 21–23/09/2013. Ban Kiến đàn, do Hòa thượng Nguyên Phước làm Chánh chủ đàn, đã cung thỉnh Hòa thượng Thiện Duyên làm Đàn đầu, Hòa thượng Huệ Minh làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Đồng Chơn và Hòa thượng Quảng Bửu-Minh Trí (1944-2016) đồng làm Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng TN. Hạnh Nghiêm làm Đàn đầu Hoà Thượng Giới đàn Ni. Đại giới đàn có 327 Giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni và trên 1.500 giới tử Thập thiện, Bồ-tát phát tâm thọ trì giới pháp. Đại giới đàn diễn ra ở hai giới trường: Tổ đình Long Khánh và chùa Tâm Ấn (TP.Quy Nhơn)
Năm Đinh Dậu (2017), BTS PG tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn Tâm Hoàn từ mùng 6-9/3. Ban Kiến đàn, do Hòa thượng Nguyên Phước làm Chánh chủ đàn, cung thỉnh Hòa thượng Thiện Duyên làm Đàn đầu, Hòa thượng Huệ Minh làm Yết-ma A-xà-lê, Hòa thượng Đồng Chơn, Hòa thượng Thánh Tâm đồng làm Giáo thọ A-xà-lê. Ni trưởng TN. Hạnh Nghiêm làm Đàn đầu Hoà Thượng Giới đàn Ni. Đại giới đàn truyền trao giới pháp cho 466 giới tử xuất gia và 1046 giới tử tại gia.








Tài liệu tham khảo chính:
Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, Chuyện Cũ Nhà Sư Bình Định, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2010.
Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử Lược, NXB Tôn giáo, 2004.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Văn Học, 2014.
Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập I, NXB Tp.HCM, 1996.
Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập II, NXB Tôn giáo, 2002.
Thích Đồng Bổn, Biên Niên Sử giới Đàn Tăng Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2009.
Thích Như Tịnh, Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Chúc Thánh, Lưu hành nội bộ, 2008.
Thích Viên Đạt, Lịch Sử Tổ Đình Thập Tháp, NXB Tôn Giáo, 2015.
- Các giới điệp, các câu đối gỗ.
 

[1] Do Tổ Nguyên Thiều-Siêu Bạch (1648-1728) khai sơn năm 1667.
[2] Do Tổ Hải Khiển-Đức Sơn khai sơn năm 1700.
[3] Do Tổ Toàn Tín-Đức Thành, đệ tử của của Tổ Pháp Liêm tại Phước Lâm-Hội An, khai sơn.
[4] Do Tổ Đại Ngộ-Chơn Tâm khai sơn đầu thế kỉ 18.
[5] Trường Hương là cách gọi khóa An cư kiết hạ hay trường hạ thời đó.Chữ ‘hương’ có nghĩa là thơm nên ý nghĩa trường Hương là nơimà giới xuất gia tề tựu về để tu học Kinh-Luật-Luận, lấy giới hương  xoa ướp, trang nghiêm thân tâm. Mỗi trường hương thường có mở trường Kỳ, một kỳ được mở ra trong 3 ngày để khảo hạch giới tử, tuyển chọn người thọ giới, rồi khai đàn thí giới; trường Kỳ cũng là nơi để cung cử suy tôn giáo phẩm cho chư Tôn đức Phật giáo.
[6] Do Tổ Toàn Ý khai sơn năm Qúy Sửu (1793). Nguyên chùa lúc thành lập có tên là Hưng Long. Năm Tân Hợi (1851), Thiền sư Quảng Giác, đệ tử của Tổ Toàn Ý, về trụ trì, cải hiệu là Hưng Khánh.
[7] Do Tổ Minh Giác Thành Đạo hiệu  Kỳ Phương, đệ tử cao túc của Tổ sư Nguyên Thiều, khai sơn năm 1720.
[8] Hòa thượng Thích Thiện Châu là “ngôi sao sáng Phật học Việt Nam”. Ngài tốt nghiệp cử nhân Pāli tại Đại học Nalanda (1963), Ân Độ, tốt nghiêp Tiến sĩ quốc gia về Văn học và Khoa học nhân văn tại Viện Đai học Sorbonne – Paris (1977), xây dưng Thiền viện Trúc Lâm tại Paris (1980) và giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Tác giả bài viết: Thích Nhuận Huệ

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://phathocviennguyenthieu.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Videos
Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay640
  • Tháng hiện tại3,105
  • Tổng lượt truy cập759,349
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây