TRƯỜNG TCPH BÌNH ĐỊNH TỔ CHỨC SINH HOẠT NGOẠI KHOÁ THAM QUAN DU LỊCH TẠI LÂM ĐỒNG

Thứ sáu - 26/06/2020 15:36
(Nhật ký hành trình đến xứ sở ngàn hoa của Tăng Ni sinh khóa Tám trường TCPH Bình Định)Để gắn kết tình Thầy trò, thắm tình huynh đệ trong suốt ba năm học tại trường TCPH Bình Định. Để tham quan chiêm bái, học hỏi và mang đến sự trải nghiệm cho Tăng Ni sinh trước khi ra trường. Từ khoá năm nhà trường đã tổ chức các chuyến sinh hoạt ngoại khoá. Khoá tám, niên khoá 2017-2020 tốt nghiệp chậm hơn dự định do đại dịch Covid-2019 đã làm thay đổi các dự định sinh hoạt của trường trong đó có chuyến hoạt động ngoại khoá tưởng như không thực hiện được. Bao háo hức chờ đợi đã kết thành tâm thư để BGH thấu hiểu và đã có quyết định thực hiện chuyến sinh hoạt ngoại khoá cho toàn thể Tăng Ni sinh khoá tám tại Tp Đà Lạt xứ sở ngàn hoa từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tháng 5 năm Canh Tý( 21-24/06/2020). Xin chia sẻ nhật ký hành trình và một số hình ảnh.
TRƯỜNG TCPH BÌNH ĐỊNH TỔ CHỨC SINH HOẠT NGOẠI KHOÁ THAM QUAN DU LỊCH TẠI LÂM ĐỒNG
Khởi động
9h30' ngày 21/06/2020, hồi trống dài vang lên, khép lại kỳ thi học kỳ II năm III căng thẳng. Bao âu lo, tất bật sớm hôm mùa thi cử dường như đã tan biến theo tiếng trống. Lòng người nô nức trở về xếp gọn tư trang, chuẩn bị cho chuyến hành trình ba ngày ba đêm đến vùng đất được mệnh danh là “xứ sở ngàn hoa”.  
22h khuya, tạm xa Bình Định, tạm xa mái trường thân yêu, bảy chiếc xe đồng loạt lăn bánh, đưa thầy trò trường TCPH Bình Định hướng về vùng đất mộng mơ Đà Lạt. Đâu đó trên những chuyến xe vang lên một ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Nguyên: 
"Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa." 
Bài hát dường như hối thúc những con người xứ Nẫu mau mau đến để được khám phá, nhìn ngắm thiên nhiên, lắng lòng nghe suối reo,... . Xem thử hồn mình có lặng thầm, có an yên để dệt được những vầng thi cổ như tác giả bài hát đã đặt bút phổ nhạc "lòng dạt dào nên ý thơ". 
Lướt qua những phố thị, những ngọn đèo quanh co, khúc khuỷu, những cánh đồng thưa đã gặt lúa, dừng lại hít thở cảm nhận không khí se se lạnh lúc bình minh tại thị xã Đạ Sar. Quanh đây sương mù giăng lối, phía xa xa là những khu dân cư thấp thoáng trong sương khói. Mũ nỉ, khăn choàng được trang bị đầy đủ, xít xoa hai bàn tay, thở hơi thở của đất trời, thích thú khi hơi ấm trong cơ thể phả ra gặp nhiệt độ thấp chuyển thành những luồng khói trắng lãng đãng trước mặt. Có lẽ Đà Lạt mượn câu thơ của Hàn Mạc Tử để chào đón những người con đất võ: 
      “Mơ khách đường xa khách đường xa
      Áo ai trắng quá nhìn không ra....
      Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
      Ai biết tình ai có đậm đà.” 
 Đoàn tranh thủ chụp vài bức hình rồi lên xe tiếp tục chuyến hành trình. 


Dấu ấn ngày 22/06/2020: 
6h00',  bảy xe đã có mặt ở địa điểm đầu tiên là Chùa Vạn Đức (xã Tà Nung, Tp Đà Lạt, Lâm Đồng) do TT. Thích Vạn Trí - trưởng BTS GHPGVN Tp. Đà Lạt, phó hiệu trưởng trường TCPH Lâm Đồng trú trì. Thầy và trò trường TCPH Nguyên Thiều cũng như Thượng tọa trú trì đã có buổi gặp gỡ thân mật. Thượng toạ hiệu trưởng đại diện cho đoàn cảm ơn Thượng tọa trú trì cùng tăng chúng chùa Vạn Đức đã dành sự ưu ái cho bản trường, bày tỏ niềm hoan hỷ và an lạc khi địa điểm đầu tiên đoàn đặt chân đến Đà Lạt là chùa Vạn Đức. 
Đáp lại lời của Thượng tọa hiệu trưởng, là những vị cùng phụng sự cho sự nghiệp giáo dục, TT. Thích Vạn trí đã tán thán công đức của Ban Giám hiệu cũng như có lời gửi gắm đến Tăng Ni sinh (TNS): "Song song với trí tuệ và đạo hạnh, điều quan trọng mà người xuất gia cần phải trang bị trong thời đại ngày nay chính là bản lĩnh. Chúng ta là đệ tử Phật, thì phải ngồi toà sen, ngồi sau Phật chứ không phải ngồi toà trầm hương, ngồi trên danh lợi, địa vị, tiền tài. Sự nghiệp giáo dục Tăng Ni ở đây, nói riêng là đào tạo ra những vị có năng lực, giới đức để lãnh đạo giáo hội; nói chung nghĩa là dạy dỗ để trở thành bậc mô phạm, thạch trụ tòng lâm... . Hai trăm sáu mươi TNS đang hiện diện trong ngôi bửu điện này là hai trăm sáu mươi nguồn năng lượng cho đệ tử chúng tôi lấy đó làm động lực phấn đấu trên con đường tu học... ." 
Cảm nhận được tấm chân tình của Thượng tọa trú trì, TNS đã đảnh lễ Tam Bảo, đảnh lễ Thượng tọa, sau đó dùng bữa sáng được bổn tự chuẩn bị sẵn. Ấn tượng đầu tiên về món ăn ở Đà Lạt chính là món bánh bèo, một món ăn tuy quen thuộc so với người dân xứ Nẫu, nhưng lạ là ở mùi vị và chất liệu. Ở Bình Định, bánh bèo chỉ được làm hoàn toàn từ bột gạo, còn ở đây hoà thêm bột mì nhất, làm bánh có thêm độ dai và ngon. Chỉ tiếc một điều, một bàn mười nhân khẩu mà chỉ có hai đĩa bánh, trong tình huynh đệ gắn bó ba năm, chúng tôi nhìn nhau nhường qua nhường lại, rốt cuộc ai cũng có phần nhưng chưa đầy bụng.
7h30' đoàn rời chùa Vạn Đức đến tham quan địa điểm tiếp theo là chùa Linh Ẩn, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Chùa Linh Ẩn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 27km. TT. Thích Hạnh Viên đã thay mặt cho HT Thích Tâm Vị trú trì tiếp đón đoàn. Thượng toạ gửi lời chúc sức khoẻ đến đoàn và trình bày sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi Linh Ẩn tự. Năm 1993, được sự cho phép của trung ương giáo hội, chư tôn đức Phật giáo tỉnh nhà, lãnh đạo chính quyền cũng như quần chúng tín đồ Phật tử, chùa được dựng lên. Bấy giờ chỉ là chùa nhở đơn sơ vách gạch xỏ nan tre, cột kèo lợp tranh. Năm 1999 bắt đầu trùng tu lại, đến năm 2007 thì chính thức khánh thành và có được diện mạo như ngày hôm nay. Cách đây hơn hai năm, tức năm 2017, chùa tiến hành đúc tượng Quán Thế Âm lộ thiên lớn nhất Việt Nam cao 67m và mới khánh thành vào ngày 19/09 năm ngoái. Ngước nhìn tôn tượng uy nghiêm, đảnh lễ dưới chân Ngài, thầy trò lưu lại tấm hình tập thể trước tôn tượng và ngôi chánh điện. Sau đó, được Thượng Toạ mời một bữa điểm tâm nhẹ, thăm quan khuôn viên sau chùa, rừng tùng phủ rêu phong, Đà Lạt chiếu những tia nắng len lỏi vào hàng cây, ai nấy thích thú tranh thủ chụp những tấm ảnh, vào tổ đường chiêm ngưỡng tượng Phật ngọc, tham quan khu vườn Tịnh Thánh, được biết là nơi đặt gần năm trăm tượng Quan Âm Bồ-tát, với thiết kế giống đến 100%, mỗi bức tượng đều cao 3m. 
Bên cạnh chùa Linh Ẩn có địa điểm du lịch Thác Voi, cũng nằm trong lộ trình của đoàn. Nhưng vì thời tiết Đà Lạt có mưa vào tối hôm qua, thác nước đổ xuống ngã màu vàng cộng đường trơn trượt, nên đoàn di chuyển thẳng đến khu du lịch sinh thái Hoa Sơn Điền Trang ở tiểu khu 159, phường 5, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 8 km, nằm trên tỉnh lộ 725 nối thành phố Đà Lạt với thị trấn Nam Ban, nên nhiều người vẫn quen gọi là đèo Tà Nung. Nơi đây, đoàn bị thu hút bởi những tiểu cảnh như: gốc cây cô đơn hình trái tim, bàn tay Phật khổng lồ được kết thành từ các dây leo lấy trong khu rừng nguyên sinh, cánh đồng hoa, hồ thác nước, tiểu cảnh quanh hồ, khu nhà gỗ trên cây, cổng trời… . Có lẽ tên hay mà sơn cảnh lại hữu tình nên giữ chân đoàn ở lại hơi lâu. Đến trưa, đoàn được Ni Trưởng Thích Nữ Như Tịnh, trú trì Ni viện Tuệ Quang (16 Ngô Quyền, phường 5, Tp Đà Lạt, Lâm Đồng) mời buổi cơm trưa. Tuy đoàn đến trễ đã 12h trưa nhưng Ni trưởng và Ni chúng Ni viện Tuệ Quang rất hoan hỷ và phục vụ tận tình. Thượng toạ hiệu trưởng huớng dẫn Ni sinh đảnh lễ Ni Trưởng. Thật diễm phúc khi học Ni được Ni Trưởng thương tưởng và sách tấn trên con đường tu học. 
Đoàn rời Ni viện Tuệ Quang lúc 12h45', sau đó đến khách sạn nhận phòng nghỉ ngơi. Những ngây ngô mà người ta thường gọi vui là "ở nhà quê mới lên tỉnh" hay “ở trên núi mới xuống” lại bắt gặp ở Tăng Ni sinh Nguyên Thiều. Cầm thẻ phòng trên tay mà lay hoay hỏi mấy huynh đệ: "Sao người ta không đưa chìa khoá lấy gì mở phòng đây ta??", bước được vô phòng không hiểu sao bật công tắc hoài mà không chịu lên điện (thì ra là phải cắm thẻ vào khe), phòng ba người, mà một người đi ra ngoài không biết rút luôn cái thẻ trong khe cắm, làm mọi người chả hiểu sao lại cúp điện, cái quạt mà cũng có vị đứng bật cả buổi mới lên, thang máy không biết ngõ dùng... thôi đi thang bộ cho chắc ăn,... . Vậy mới biết thế giới này rộng lớn, bao la cần học hỏi rất nhiều thứ từ những chuyến trải nghiệm thực tế. 
15h15' đoàn di chuyển đến khu vực thác Datanla, Ql 20 đèo Prenn, phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Thác Datanla có độ cao 20m với lượng nước chảy ổn định quanh năm. Đoàn phải đi bộ xuống những bậc tam cấp tầm 15 phút mới đến được vị trí thác nước .Nước ở đây không tung bọt trắng xóa, không ồn ào dữ dội mà rất bình yên. Lý do là bởi thác Datanla không quá dốc, có nhiều thềm đá khiến dòng chảy trở nên thong thả hơn. Khung cảnh thiên nhiên nhẹ nhàng, hơi mát từ dòng suối bốc lên thuần khiết, cảm giác con người cũng được bình lặng sau những mệt mọc gian nan dặm đường.  
Rời thác Datanla, đoàn đến thiền viện Trúc Lâm, đường Trần Thánh Tông, phường 3, thành phố Đà Lạt lúc 16h15'. Gọi tên đầy đủ là “Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng” thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vì địa thế thiền viện ngự trên núi Phụng Hoàng và gắn liền với hai điển tích giấc mơ phụng hoàng của Hoà thượng Thích Thanh Từ, vị sáng lập thiền viện vào năm 1994. Hoà thượng Phó Trụ trì đã đại lao cho Hoà thượng Trú trì đón tiếp đoàn. Nơi đây, thầy trò được ngồi lại nghe Hoà thượng nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của thiền viện, đồng thời vì giới hạn bởi thời gian nên Hoà Thượng chỉ trình bày sơ lược về lộ trình tu tập thiền định để TNS nắm bắt được khái niệm, những điều cốt lỗi vận dụng tu hành để có thể đi sâu vào thiền định. Được biết từ 17h trở đi thì khách thập phương đã ra về, cảnh chùa lại thanh vắng, một phần vừa mới đi ra từ buổi chia sẻ, vãn cảnh, trong tiết Đà Lạt sương mù đã khép nép giăng một màn mỏng, thầy trò dừng lại lắng lòng nghe kệ thỉnh trống từ Tăng chúng thiền viện. Ai được sống trong khung cảnh này, mới thấy được lòng mình bình an, vô tư lự. 
18h đoàn quay trở lại Ni viện Tuệ Quang để dùng cơm chiều. Kết thúc ngày đầu tiên của chuyến hành trình về sứ hoa đào. 
Dấu ấn ngày 23/06/2020: 
Buổi sáng, đoàn lần lượt đi tham quan các địa điểm du lịch: 
  1. Đồi chè Cầu Đất, xã Xuân Trường. Đồi chè có tuổi đời gần 100 tuổi, trải dài trên diện tích rộng lớn lên đến 230 ha, với độ cao 1650 mét so với mực nước biển. Hoà mình vào màu xanh trù phú của dải đồi chè, lên trên cũng một nền trời xanh ngắt, ngỡ như đang thể nghiệm hai câu thơ của thiền sư Không Lộ:   
" Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
 Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
 Ngư ông thuỳ trước vô nhân hoán
 Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền." 
  2. Vườn hoa Cẩm Tú Cầu, đường Lộc Quý, Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
  3. Chùa Linh Phước, ngôi chùa lớn nhất ở Đà Lạt, tọa lạc tại 120 đường Tự Phước, Trại Mát, P.12, Đà Lạt, Lâm Đồng, còn có tên gọi khác là chùa Ve Chai . Đến chùa vào lúc trưa nắng nóng nên đoàn đã thấm mệt, tuy vậy thầy trò rất vui vẻ khi được chiêm ngưỡng những nét độc đáo của ngôi chùa. Từ lối kiến trúc đặc biệt với các bức tường được khảm bằng những mảnh chén, bát vỡ đầy màu sắc, hoạ tiết khác nhau, đến tôn tượng Quán Thế Âm cao 17m, nặng khoảng 3 tấn, toàn thân Ngài được kết bằng 650.000 bông hoa bất tử, loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, toà Linh Tháp 7 tầng cao 37m được xem là ngôi tháp chuông lớn nhất Việt Nam, lại được Trải nghiệm cảm giác lo lắng khi tham quan khu địa ngục,... . Một ngôi chùa để lại nhiều ấn tượng cho khách vãng lai. 
Đến chiều đoàn tiếp tục tham quan hai địa điểm: 
Một, vườn hoa thành phố nằm quanh trên bờ phía bắc của Hồ Xuân Hương, trên thung lũng của Đồi Cù với tổng diện tích 7000 m2. Nơi đây có khoảng trên 300 loài hoa, là nơi trưng bày về hoa lớn nhất và đầy đủ nhất của Đà Lạt. Không gian rộng rãi, thoáng mát, sắc hoa rực rỡ; tháp tùng sau những bước thiền hành cùng thầy Hiệu Trưởng, lên thăm vườn ươm các giống hoa, ngồi quanh bờ hồ trò chuyện hay đạp vịt dưới hồ,... . Thầy trò đều tìm được niềm vui hoà trong cảnh sắc hoa tươi thắm.
Hai, Dinh vua Bảo Đại 1, nằm trên một đồi thông thơ mộng, cách trung tâm thành phố chừng 4km về phía Đông Nam, là một trong ba ngôi dinh thự của vua Bảo Đại tại thành phố này. Bên ngoài chiêm ngưỡng vẻ cổ kính, trang nhã, uy nghiêm. Bên trong được nghe hướng dẫn viên diễn thuyết về cuộc đời, tiểu sử,... của vua Bảo Đại. Lên trên lầu khám phá từng gian phòng của vua, của Nam Phương hoàng hậu, phòng làm việc,... mọi thứ từ kiến trúc bên ngoài lẫn nội thất bên trong rất đặc trưng của kiến trúc Pháp. 
Buổi tối, TNS được tự do đi dạo khu vực chợ đêm, đạp xe quanh bờ hồ Xuân Hương, ngắm nhìn Đà Lạt về đêm,... . Thật tự do và thú vị.
Khép lại ngày thứ hai, đoàn cũng không quên gửi lời tri ân đến sư cô trú trì chùa Linh Bảo, phường 7, Tp Đà Lạt, Lâm Đồng, đã tạo duyên cho đoàn buổi ăn sáng. Ni Trưởng Thích Nữ Như Phú, viện chủ chùa Phước Huệ, cúng dường đến đoàn buổi cơm trưa và chiều. 
Dấu ấn ngày cuối cùng 24/06/2020: 
Theo sự chỉ dạy của quý thầy BGH, toàn đoàn phải trả lại phòng lúc 4h30 dù cả ngày hôm trước là một chuyến đi ròng rã thấm mồ hôi nhưng thú vị. Sương mù còn giăng khắp dãy đường, cái lạnh của buổi sáng tinh khôi len lỏi vào cơ thể, nhưng mọi tư lương balo, khăn cổ,... đều để lại trong xe, đoàn đi xuống chỉ mỗi vị một chiếc nón lá, tập trung xếp thành tám hàng dài trước quảng trường Lâm Viên. Thầy trò cùng nhau đi thiền hành quanh khu vực bờ hồ Xuân Hương. Đi trong chánh niệm, trong tình thầy trò gần gũi, trong tình huynh đệ hoà hợp, thầy Tổng Quản Chúng nhắc nhở thầm chúng con: "Nhớ đồng nguyện cầu cho thế giới được thái bình nhan!". Hình bóng một tăng đoàn hùng tráng, uy nghiêm xuất hiện trên dải đường thành phố hẳn sẽ là một điều thú vị và đẹp đẽ đối với người dân, vì đoàn bắt gặp bên đường: người tập thể dục đứng lại rút điện thoại ra quay phim, người đi làm thì chụp vội vài tấm hình... . Phải chăng Chánh pháp, đức tin Tam Bảo đang được gieo rắc, điểm tô cho cuộc đời, mang tình yêu thương, tấm lòng từ bi để hoá giải khổ đau kiếp người. 
Sau những bước thiền hành an lạc, đoàn được Ni trưởng Thích Nữ Như Hảo, trú trì chùa Hưng Quang, cúng dường buổi sáng và cả buổi trưa. Có lẽ ni trưởng cũng là người Bình Định nên được tiếp đoàn, những người cùng quê hương, Ni trưởng rất vui mừng và cảm động. Ni sinh đảnh lễ Ni trưởng và chụp tấm hình lưu niệm trong chánh điện. 
Nối tiếp những chặn đường cuối cùng, đoàn đến chùa Linh Sơn, số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi. Lúc đoàn vừa đến thì có khoá tu nên đoàn đi qua thăm cơ sở trường Trung Cấp Phật Học Lâm Đồng cũng toạ lạc trong khuôn viên chùa. Sau đó Thượng toạ Hiệu trưởng cùng TNS đã đảnh lễ và khánh tuế Hoà thượng Thích Viên Như, Phó trưởng ban TT ban trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng. Đứng trước những TNS trẻ, Hoà thượng đã chia sẻ những ưu tư về Đạo Pháp, về dân tộc trong thời cuộc hiện nay, một số điều nghi vấn về tam tổ Huyền Quang. Hoà thượng còn gửi tặng đến thầy trò trường TCPH Bình Định bài hát do Ngài sáng tác, đáp lại Thượng toạ Hiệu trưởng cũng gửi đến Hoà thượng bài hát “Quê Hương Cực Lạc” do thầy sáng tác khi còn học ở Ấn Độ. Có thể nói rằng, âm nhạc không chỉ để thoả thích đam mê, giải toả những căng thẳng trong cuộc sống mà còn là phương tiện để Tăng thân thêm gắn kết, hoà hợp. Trước khi rời chùa, đoàn chụp tấm hình lưu niệm cùng Hoà thượng.  
Địa điểm cuối cùng của chuyến hành trình xứ ngàn hoa là di tích kiến trúc cấp quốc gia Ga Đà Lạt. Ga được người Pháp xây dựng từ năm 1932, đến 1938 thì hoàn thành, là một trong hai nhà ga cổ và độc đáo nhất ở khu vực Đông Dương vào đầu những thập niên 30. 
Đoàn bắt đầu trở về lại Bình Định lúc 13h00. Ba ngày vừa qua, xứ sở Đà Lạt đã giành cho thầy trò trường TCPH Bình Định một sự ưu ái lớn. Tiết trời dịu mát, không mưa, chỉ lát đát vài hạt nhỏ như để xoá tan những giọt mồ hôi, cái mệt, nỗi vất vả bụi đường của thầy trò. Khi đoàn vừa ra khỏi địa phận Đà Lạt thì trời đổ trận mưa lớn, hẳn là tiễn biệt những người con Nguyên Thiều và ngõ lời mời gọi vào một dịp không xa. 
Đoàn về đến Nha Trang, theo lời mời từ trước của Hoà Thượng thượng Trừng Hạ Tịnh, đoàn ghé lại chùa Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ. Chư Tăng bổn tự phát tâm cúng dường đến TNS và tiếp đãi đoàn một bữa ăn nhẹ. Sau đó, đoàn thẳng tiến về tu viện lúc 21h30’. Bước chân của người con Nguyên Thiều lại đặt trên mảnh đất quen thuộc này, nghĩa là đã chính thức kết thúc cuộc hành trình thăm viếng các ngôi cổ tự và chư tôn đức cùng những thắng cảnh tại Đà Lạt. Rồi chưa đầy 20 ngày nữa thôi, chúng con lại phải kết thúc một cuộc hành trình nữa , đó là khép lại cánh cửa Trung Cấp, nơi đây sẽ không quên khi chúng con đã quen gọi " Nguyên Thiều trong tôi là những năm tháng đẹp". 
Chúng con xin thành kính tri ân trên BGH đã mang đến cho chúng con một chuyến đi thú vị và ý nghĩa, tri ân trên chư tôn đức quý Ni trưởng, Ni sư đã trợ duyên cho đoàn trên suốt dặm đường, cám ơn các chú trong đoàn hướng dẫn viên đã tận tình đồng hành cùng đoàn và xin cám ơn các bác tài đã vững lái, vượt mọi nẻo đường để đưa đoàn khám phá những vùng đất mới lạ. Cuối cùng xin trì ân nhị vị Đại Đức đi trong đoàn nhưng chưa ngồi chung xe, ít được chụp hình, ít được cùng với TNS rảo bước trên các điểm hành trình; đó là ĐĐ Chánh thư kí và ĐĐ Tổng quản chúng, 2 thầy đã lặng lẽ đi sớm về sau chăm lo tiền trạm hậu cần cho đoàn đi được chu đáo và an toàn nhất.
 
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Xem album ảnh tại đây.

Tác giả bài viết: Tin Ni sinh Nhuận Mến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Videos
Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay605
  • Tháng hiện tại9,927
  • Tổng lượt truy cập729,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây