Những cơn gió lạnh của mùa đông nhường chỗ cho bước chân êm đềm của mùa xuân. Khi mặt trời không còn ẩn mình sau lớp sương dày mà bắt đầu tỏa ra những tia nắng nhẹ, đánh thức chồi non đang e ấp trong lòng cành khô. Trên những vòm cây, lộc biếc hé mở. Những bông hoa, tưởng như còn đang ngủ vùi trong giá rét, bỗng bừng tỉnh, khoe sắc thắm trong làn gió xuân phơi phới. Đất trời như được khoác lên mình một tấm áo mới, tươi tắn và tràn đầy sinh khí. Mùa xuân đã về, mang theo hy vọng, an lành và những khởi đầu mới.
Tết là dịp những người con xa xứ trở về nguồn cội tổ tiên, ông bà và đoàn tụ bên gia đình. Đối với Cựu Tăng Ni sinh khóa IX chúng con cũng thế, dẫu người đang còn gửi gắm tuổi thanh xuân nơi phương xa để học đạo hay lưu lại tòng lâm vung bồi đạo lực và phụng sự. Ngày mùng chín tháng Giêng hằng năm là dịp huynh đệ chúng con trở về nơi mái trường TCPH Bình Định, nơi đã tưới tẩm hạt giống bồ đề bằng những bài học, kinh nghiệm của quý Giáo thọ truyền trao. Qua đó, mỗi người chúng con xây dựng những bước đi đầu tiên trên lộ trình hướng đến giải thoát.
Thiền ngữ Làng Mai có câu: “Còn biết ơn là còn hạnh phúc”. Do đó, dù đã tốt nghiệp Trung cấp gần ba năm nhưng những hình ảnh và những kỉ niệm thầy trò gắn kết với nhau qua các hoạt động ngoại khoá, tất cả những điều đó đã được khơi dậy trong suốt hành trình hai ngày: mồng 9, mồng 10 tháng Giêng xuân Ất Tỵ.
Từ lúc sáng sớm, đoàn tập trung tại Tu Viện Nguyên Thiều, đảnh lễ Giác linh Hoà Thượng Đệ Tam trú trì Tu viện Nguyên Thiều thượng Minh hạ Tuấn. Năm nay khác với những năm trước, Ôn đã nhẹ gót về Tây. Với dáng người cao gầy, Hoà thượng Đệ Tam trú trì dẫu lưng còng thân mỏi nhưng Ngài vẫn âm thầm chăm lo đời sống cho đàn hậu học. Mới năm trước, Tăng Ni sinh chúng con còn được đảnh lễ, khánh tuế Ôn, được nghe những lời chỉ dạy gần gũi nhưng sâu sắc gửi gắm trách nhiệm duy trì mạng mạch Phật pháp của mình. Tất cả những hình ảnh đó chỉ tồn tại trong kí ức, giờ đây ngày trở về, chúng con chỉ có thể quỳ bên di ảnh với khói hương nghi ngút. Dẫu Người vắng bóng nhưng những lời dạy vẫn còn vang vọng giữa chốn Thiền môn như chưa từng phai nhạt. Sau đó, Thượng toạ Thích Đồng Minh- Tăng Thường trú Tu viện Nguyên Thiều đã có những lời sách tấn Tăng Ni sinh giữ gìn truyền thống tri ân báo ân và kết nối tình huynh đệ.
Tiếp đến, chúng con được gặp thầy Đồng Kỳ và quý Thầy Quản chúng Tăng với niềm vui khó diễn đạt. Tưởng chừng sau gần ba năm rời xa mái trường thầy sẽ quên chúng con, ấy vậy mà từng cái tên được thầy điểm danh một cách rõ ràng, Tăng Ni sinh dịp này được ôn lại những hoạt động của Thầy trò trong ba năm học, đồng thời Thầy nhắn nhủ đến Tăng Ni sinh cần dành thời gian sửa mình tu thân, chuyên tâm học hành không để thời gian luống qua vô ích bởi môi trường Cử nhân có lẽ là nấc thang cuối cùng của thời đi học, đòi hỏi mức độ rèn luyện nghiêm khắc hơn thời trung cấp.
Lịch trình đảnh lễ khánh tuế Quý Giáo thọ sư diễn ra trong hai ngày:
- Ngày 1, lần lượt đến Bổn tự của Quý Giáo thọ sư ở An Nhơn, Quy Nhơn và Phù Cát:
1. Đại đức Thích Nhuận Linh, Tịnh thất Thiên Bảo, huyện Vân Canh, Bình Định.
2. Thượng toạ Hiệu Trưởng, Chùa Thiên An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
3. Đại đức Thích Quảng Ngọc, Chùa Thiên Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
4. Thượng toạ Hiệu phó, Chùa Long Sơn, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
5. Thượng tọa Thích Giác Tri, Tịnh Xá Ngọc Hòa, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
6. Ni sư Thích Nữ Minh Tâm, Chùa Hương Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
7. Đại đức Thích Đồng Hội, Chùa Hưng Quang, xã Nhơn Hoà, Thị xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định.
8. Đại đức Thích Đồng Ngữ, Tổ đình Quang Hoa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
- Ngày 2, di chuyển đến miền đất “núi Ấn sông Trà”, để đảnh lễ Đại đức Thích Đồng Đắc, trú xứ Chùa Phước Lâm, xã Bình Thuận, Huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi.
Xuất phát từ Nguyên Thiều, đoàn di chuyển về huyện Vân Canh, cách 78 km là trú xứ ngôi Già lam Tịnh thất Thiên Bảo của Đại đức Nhuận Linh. Gần buổi trưa, đoàn tiếp tục cuộc hành trình về Thiên An của Thượng toạ Hiệu trưởng. Đại diện khoá, Tăng sinh Hữu Lộc đã dâng lời tác bạch khánh tuế.
Tạm biệt ngôi Già lam Thiên An, đoàn lại lên đường, hướng về Tuy Phước, đảnh lễ Đại đức Giáo thọ Thích Quảng Ngọc và nạp năng lượng bằng món ăn quen thuộc của thời trung cấp “mì chay đông cô” để tiếp tục chặng đường dài. Vẫn con đường ấy chùa Hương Quang hiện ra như một điểm dừng chân yên bình, đại diện Ni sinh cung kính đảnh lễ Ni sư Hiệu phó. Không để đôi chân nghỉ ngơi quá lâu, đoàn nhanh chóng lăn bánh về “thị trấn cổ”, làng chài Nhơn Lý khánh tuế Thượng toạ Thích Giác Tri, Tịnh xá Ngọc Hoà. Từ vùng biển, xe vượt núi băng đèo để đến miền núi rồng bay- Long Sơn Tự của Thượng toạ Hiệu phó Thích Quảng Nhơn. Khi mặt trời dần khuất sau rặng núi, những tia nắng cuối ngày lững lờ trải dài trên mặt đất, đó cũng là thời điểm đoàn hướng về trú xứ chùa Hưng Quang của Đại đức Thích Đồng Hội- người gắn bó với Tăng Ni sinh qua bộ môn Hán văn trong suốt ba năm. Cuối ngày, đoàn có mặt tại Sắc tứ Tổ đình Quang Hoa đảnh lễ khánh tuế Đại đức Giáo thọ Thích Đồng Ngữ, đây là điểm dừng chân kết thúc hành trình ngày đầu tiên.
Năm nay vì Phật sự đa đoan nơi phương xa của Đại đức Thích Đồng Kim chùa Dương Sơn và Đại đức Thích Đồng Huy chùa Khánh Vân nên chúng con không có dịp đến trú xứ của Chư Tôn đức để đảnh lễ. Dẫu vậy chúng con luôn tâm niệm tri ân đến quý thầy.
Ngày thứ hai trong chuyến hành trình về nguồn của huynh đệ Tăng Ni sinh khoá IX là hướng đến Quảng Ngãi nơi “Phật bổ xứ” cho Đại đức Thích Đồng Đắc. Tưởng không xa mà xa không tưởng, Bình Định cách Quảng Ngãi chỉ 216 km chứ không nhiều, mất gần 4 tiếng di chuyển bằng xe khách. Xuất phát từ lúc 6h30 sáng khi đặt chân đến ngôi già lam Phước Lâm đã là 10h30 trưa. Trong lòng ai cũng háo hức vì đây là lần đầu tiên đoàn đi xa như vậy. Tại đây, ngoài việc đảnh lễ khánh tuế giáo thọ sư, đoàn còn có cơ hội chiêm bái hai ngôi chùa nổi tiếng của Quảng Ngãi mang tên Tổ đình Thiên Ấn và chùa Minh Đức.
Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, chùa Thiên Ấn được biết là ngôi chùa cổ kính nhất Quảng Ngãi, gây ấn tượng với lối kiến trúc đậm nét văn hoá Việt Nam. Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa, Húy thượng Phật hạ Bảo nối dòng thiền Lâm Tế đời thứ 35 thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ của Tổ Đạo Mân Mộc Trần. Ngôi cổ tự này được chúa Nguyễn Phúc Chu ban Sắc tứ năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717) đời Lê Dụ Tông.
Từ đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi và dòng sông Trà Khúc hiền hòa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, chùa còn có giếng cổ, được gọi là "Giếng Phật", sâu hơn 50 thước, nước trong và ngọt, tương truyền rằng chữa được bách bệnh. Bên cạnh giếng cổ, chùa Thiên Ấn còn nổi tiếng với chuông thần – một bảo vật có giá trị văn hóa và tâm linh đặc biệt. Chuông được đúc vào năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị, nặng hơn 1.2 tấn, với âm thanh vang vọng, trong trẻo, được coi là tiếng chuông thiêng gắn liền với sự thanh tịnh và thiền định.
Ngoài ra, phía Tây Nam khuôn viên chùa là nơi tọa lạc mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng - một nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Việt Nam. Ngôi mộ được thiết kế đơn giản, trang trọng, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan chùa Thiên Ấn.
Nếu Tổ đình Thiên Ấn mang màu sắc cổ kính thì Chùa Minh Đức lại mang vẻ đẹp hiện đại. Được xây dựng từ tháng 5/2018, cho đến thời điểm hiện tại. Một trong những yếu tố thu hút khách thập phương đến viếng thăm Chùa chính là dự án xây dựng tượng Phật Quan Âm cao nhất Đông Nam Á với chiều cao dự kiến lên đến 125m, uy nghi trên đỉnh núi Thiên Mã. Dự án này hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng linh thiêng và trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Và đây cũng chính là điểm cuối của cuộc hành trình.
Khép lại chuyến hành trình hai ngày đầy ý nghĩa, mỗi Tăng Ni sinh lại trở về bổn tự của mình, tiếp tục việc học và tu tập. Thế nhưng, dư âm của chuyến đi vẫn còn vang vọng trong tâm khảm mỗi huynh đệ, đó không chỉ là những chặng đường đã đi qua, những ngôi già lam thanh tịnh đã dừng chân, mà còn là những lời sách tấn, chỉ dạy ân cần của chư vị Giáo thọ sau gần ba năm rời xa mái trường.
Chỉ khi bước chân đi, chúng con mới thấu hiểu rằng con đường từ mỗi trú xứ của quý Thầy để mang con chữ, đạo nghĩa đến với hàng hậu học chưa bao giờ là bằng phẳng. Là nắng sớm hay sương khuya, là bao nhọc nhằn thầm lặng phía sau những bài giảng, mới thấy tình Thầy trò thật thiêng liêng, đáng trân quý biết bao. Dẫu Phật sự bộn bề, quý Thầy không chỉ mở lòng tiếp đón mà còn dành trọn thời gian quý báu để khuyến tấn nhắc nhở giữ gìn mạch sống Phật pháp giữa dòng đời vô tận. Đặc biệt Thượng toạ Hiệu trưởng đã nhắn nhủ đến Tăng Ni sinh 5 điều:
1. Cố gắng trong điều kiện nhân duyên, tuổi tác của mình để phát triển trọn vẹn nhất trên con đường pháp học của mỗi người bởi điều kiện sức khoẻ, thời gian lẫn học tập đều rất thuận tiện trong thời đại ngày nay.
2. Cố gắng nối kết trong tình huynh đệ. Tuy mới ra trường nhưng có sự kết nối tốt đẹp thì tinh thần cộng sự ấy được duy trì theo chiều hướng tốt trong tương lai xa.
3. Mỗi người cần lập kế hoạch, định hướng cho thật rõ ràng, vững chãi trên con đường tu học của mình. Khi bước vào ngưỡng cửa học viện, cần bắt đầu định hướng cho mình con đường tu học trong tương lai xa. Bên cạnh đó, cần có sự lắng nghe, chỉ dạy của các bậc đi trước hay là huynh đệ khoá trước.
4. Dù đang học ở cấp độ, môi trường, nhân duyên nào, có một điều vô cùng quan trọng đó là không rời xa cội nguồn gốc rễ tổ tiên, tâm linh của mình. Bởi vì khi đi càng xa với những nhân duyên nhiều hơn mà mất đi những điểm tựa tinh thần. Dần dần chúng ta sẽ nghiêng về pháp học và thiếu pháp hành, mất đi sự nối kết truyền thống tâm linh.
5. Luôn luôn đồng hành, yểm trợ cho nhau trên con đường học đạo và hành đạo. Tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân duyên của khoá IX sẽ góp phần tạo nên sức mạnh, niềm hạnh phúc trên con đường học và hành đạo của mỗi người.
Những lời pháp ngữ ấy như tiếp thêm nguồn động lực cho huynh đệ chúng con và là kim chỉ nam vững chắc trên đoạn đường phía trước.
“Lời Thầy như nắng ban mai
Cho con thức giấc đêm dài trần gian
Lời Thầy như gió trên ngàn
Cho con bay giữa vô vàn khổ đau”.
Chuyến đi khép lại, nhưng bài học thì chưa bao giờ dừng lại. Tình Thầy trò, nghĩa huynh đệ, ân giáo dưỡng… tất cả vẫn còn đó, vẹn nguyên và lắng đọng trong từng bước chân trở về.
Vì thời gian không cho phép nên còn nhiều trú xứ chúng con không kịp đến thăm và đảnh lễ. Chúng con tâm niệm hướng về Đại đức Thích Nhuận Huệ- Tổ đình Long Đức, Tổ đình Tịnh Lâm- Đại đức Thích Nhuận Quý, Thượng tọa Thích Viên Chơn- Chùa Long Hoa, Đại đức Thích Thị Thuận- Chùa Tường Vân, Đại đức Thích Hạnh Chơn- Tổ đình Minh Tịnh, Đại đức Thích Thị Tấn- Chùa Phú Thọ, Ni sư Thích Nữ Minh Từ -Tịnh thất Pháp Minh. Nguyện cầu mười phương Tam Bảo gia hộ chư tôn đức Giáo Thọ phước thọ miên trường, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành.
Hình ảnh lưu lại trong chuyến hành trình về nguồn xuân Ất Tỵ:































