ĐĐ. Thích Đồng Thành biên soạn Dẫn Nhập: Phật Giáo Việt Nam vào nữa đầu TK XX đã có một sự chuyển mình mới với sự xuất hiện và dấn thân của các bậc cao Tăng thạc đức qua các phong trào chấn hưng Phật giáo. Từ những tác động tích cực của các phong trào này, nhiều trú xứ tòng lâm, cơ sở giáo dục Phật giáo ở khắp mọi nơi được hình thành tạo nên những dấu ấn quan trọng trong trang sử Phật giáo nước nhà. Hòa chung trong sinh khí đó, Tu Viện Nguyên Thiều đã được hình thành trong niềm hoan hoan của mọi giới Tăng – Tín Phật giáo đồ tỉnh nhà. Sự ra đời của ngôi Tu Viện này là ước mơ, là tâm nguyện, là kết tinh của hạnh nguyện cao cả và trí tuệ vô biên của các bậc cao Tăng Phật giáo Bình Định. Kể từ đây, Phật giáo bản tỉnh tự hào có được một Đại Tòng Lâm của Phật giáo Bình Định, một trung tâm giáo dục Phật giáo lý tưởng để thực hiện một trong những sứ mạng thiêng liêng nhất của Phật giáo trong mọi thời đại, đó là Đào Tạo Tăng Tài. Tìm hiểu về lịch sử của Tu Viện là để ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng của Phật giáo Bình Định, để hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc sáng lập ngôi Tòng lâm này, và đặc biệt để thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hậu bối đối với tâm huyết và hạnh nguyện vô biên của các bậc tiền nhân đã một đời hy sinh thầm lặng cho đạo, cho đời, cho các thế hệ mai sau.
Nhân duyên hình thành Tu Viện Nguyên Thiều
Trong các hoạt động Phật giáo, bất cứ lúc nào và nơi đâu, sự nghiệp đào tạo Tăng tài được xem là sứ mạng trọng yếu và cao cả nhất, quyết định cho sự thịnh suy của đạo Pháp. Thời đức Phật tại thế, các trú xứ tòng lâm quy mô như Lộc Uyển, Linh Thứu, Trúc Lâm, Kỳ Viên, Vườn Xoài, v.v… đã trở thành những trung tâm giáo dục đào tạo Tăng tài quan trọng, sản sinh ra các bậc thánh Tăng, Tổ sư vĩ đại. Rồi sau đó lần lượt các trung tâm Phật học quy mô như Nalanda, Kanchi, Purusaputra, Nagarhara, Takshashila,v.v…được hình trên khắp xứ Ấn Độ để duy trì và truyền thừa Chánh pháp. Ở nơi nào mà hàng xuất gia có được phẩm hạnh thanh cao, giới đức trang nghiêm, uyên thâm Phật pháp, biết phụng sự dấn thân, thì Phật pháp nơi ấy mới mong được tỏa sáng trong cuộc đời. Cũng thế, trong bất kỳ thời đại nào, những mầm non Chánh pháp được chăm sóc và tưới tẩm chu đáo, được bảo bọc trong bi nguyện, thì sự kế thừa và quang huy của chánh đạo ắt sẽ thành tựu. Ý thức được những vấn đề đó, chư Tôn Trưởng lão tại Bình Định luôn thao thức đến việc kiến lập một chốn tòng lâm độc lập, không lệ thuộc một Tổ đình, sơn môn pháp phái nào, chuyên ròng về sự nghiệp đào tạo Tăng tài, chỉ phục vụ cho lĩnh vực giáo dục Phật giáo, làm một trung tâm học Phật chuẩn mực, thích ứng với xu thế mới của nền giáo dục hiện đại. Như một sự mầu nhiệm thiêng liêng trong năng lượng thâm mật gia hộ của Tam Bảo mười phương, lịch đại Tổ sư và hồn thiêng sông núi, ước nguyện đó của Chư Sơn trong bản tỉnh cuối cùng đã thành tựu. Sau khi khảo sát nhiều địa phương khác nhau, cuối cùng chư Tôn Hòa thượng trong Hội Đồng Sáng Lập Tu Viện[1] đã chọn được khu đất nằm dưới chân tháp Bánh Ít (Tháp Bạc) thuộc ấp Đại Lộc, xã Phước Hiệp, quận Tuy Phước. Việc chọn lựa này cũng có sự tham gia nhiệt tình của cư sĩ Đặng Đình Đạm, kỹ sư địa chất du học tại Pháp về, ông xã trưởng xã Phước Hiệp Lê Trọng Cừu và trưởng ấp Đại Lộc là Bùi Hàn, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân ấp Đại Lộc trong việc cấp toàn bộ khu đất đồi Tháp Bạc để thành lập một tu viện Phật giáo. Sau một thời gian vận động và được các chủ đất cùng hàng nghìn người dân tại ấp Đại Lộc ký giấy cúng đất, cùng với sự đồng thuận của chính quyền quận Tuy Phước, xã Phước Hiệp, ấp Đại Lộc, Tu Viện Nguyên Thiều đã chính thức được khai sáng vào ngày 15 tháng 8 năm Mậu Tuất (27-09-1958). Tu Viện được mang danh hiệu của bậc Tổ sư đầu tiên đã có công xây dựng nền móng vững chãi cho Phật giáo Bình Định, đó chính là sự khai sơn Tổ đình Thập Tháp Di Đà lịch sử, để từ đó hoa từ bi nở khắp, hương đức hạnh lan xa, đèn trí tuệ tỏa chiếu, ánh sáng Phật pháp soi sáng khắp mảnh đất thân yêu này.
Quá trình kiến tạo và phát triển Tu Viện Nguyên Thiều
Mục đích kiến lập Tu Viện Nguyên Thiều
Theo Kỷ Yếu Đệ Thập Chu Niên Tu Viện, Tu viện Nguyên Thiều được thiết lập với 03 mục đích sau:
Đạo tạo về cơ bản Phật Pháp và phổ thông cho các Tăng Ni sinh.
Nghiên cứu giáo lý, phiên dịch Kinh điển, để truyền bá chánh pháp.
Tham thiền, tu tập cho toàn thể Tăng, Tín đồ Phật giáo.
Về đất đai Tu Viện
Công việc liên lạc, trao đổi, thương lượng để trưng khẩn, xin và mua đất đai Tu Viện được bắt đầu từ tháng 4 năm Mậu Tuất (1958) do chư vị hòa thượng HT. Thích Bảo An, HT. Thích Ngọc Lộ, HT. Thích Đồng Thiện, HT. Thích Bửu Quang, HT. Thích Đổng Quán, v.v… đảm trách. Bên cạnh đó, nhờ tinh thần hộ pháp đắc lực của quý đạo hữu: Bùi Hàng, Lê Trọng Cừu, Lê Phái Thêm, Nguyễn Công, Quách Thị Quế, Trần An, nhân dân ấp Đại Lộc, và nhất là sự hỷ cúng đất của các vị trong Bùi Tộc, nên tổng diện tích đất tu viện đã mở rộng gần 19 héc-ta tại đồi Tháp Bạc thuộc ấp Đại Lộc, xã Phước Hiệp, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lúc đầu việc tiến hành thủ tục chuyển nhượng đất, sang tên đổi chủ diễn ra thuận lợi, nhưng về sau việc tuân theo các nguyên tắc pháp lý nơi Ty Điền Địa để cải danh trước bạ gặp rất khó khăn và phải kéo dài đến 5 năm (1958-1962) mới hoàn tất được hồ sơ đất của Tu Viện.
Quá trình kiến thiết Tu Viện Nguyên Thiều
Giai đoạn đầu khi khai khẩn đất đai và bắt tay vào kiến thiết xây dựng, chư Tăng không có chỗ ở phải trú ngụ, sinh hoạt trong các ngôi tháp Chàm trên đồi tháp Bạc, mùa Hè thì hanh khô nóng bức, mùa Đông thì mưa bão liên miên, khuôn viên Tu Viện là gò nổng đồi trọc, có cả trăm hầm hố lớn nhỏ, đá sỏi chông chênh, đất đai cằn cỗi. Nước sinh hoạt thì phải xuống dưới sông Côn cách xa Tu Viện để gánh về. Tuy nhiên, những thử thách trở ngại về thời tiết, đất đai, trú xứ và thời cuộc chiến tranh tàn khốc, bom rơi đạn lạc… không hề lung lay chí nguyện kiến lập tòng lâm, hạnh nguyện dấn thân vì đạo của các bậc sứ giả Chánh pháp vốn mang trong mình tâm kim cương kiên cố và lòng Bồ-đề quảng đại. Vượt qua những khó khăn bước đầu, đến ngày 17 tháng 11 năm Mậu Tuất (27-12-1958), nhân khánh đản đức Phật A-di-đà, Tu Viện mới hoàn thành một cư xá đầu tiên bằng tranh, tre. Sau đó, dù gặp nhiều khó khăn về vật chất, Tu Viện lại nhận được giúp đỡ của chư Tăng và Quý Phật tử gần xa nên đã xây cất một cư xá dài 30 mét, rộng 10 mét để làm nơi tu tập sinh hoạt cho Tăng chúng và 8 phòng ốc khác để làm nơi nhà bếp, trai đường và nhà kho. Các cơ sở kiên cố này đã được hoàn thành một vào ngày 04 tháng 06 nhuần năm Canh Tý (27-07-1960). Đến năm 1962, với sự góp sức của Chư Tôn túc và các nhà đạo tâm, Tu Viện đã quyết định Tôn trí một Kim Thân Phật Tổ Lộ thiên tại ngọn đồi trung tâm Tu Viện. Nhưng công trình dở dang vì bị sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nên đầu năm 1964 công trình này mới được tái thiết cùng với việc xây nền móng ngôi tháp Thánh Tử Đạo để kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và Chư vị Thánh Tử Đạo vị pháp Thiêu thân để bảo vệ Chánh Pháp do chế độ độc tài, kỳ thị Tôn giáo của Ngô triều gây nên. Đến cuối năm 1964, chương trình tôn trí Kim Thân Phật Tổ Lộ Thiên và ngôi tháp Thánh Tử Đạo mới được hoàn tất một nửa thì khu Tu Viện lại rơi vào tình trạng mất an ninh do tình hình chiến sự nên cả hai công trình trình này đều bị gián đoạn, vài năm sau đó công trình Kim Thân Phật Tổ Lộ Thiên mới được thành tựu. Cũng vào năm 1962 Tu Viện đã xây cất thêm một cư xá chiều dài 18 mét, rộng 10 mét để làm nơi tiếp khách và hoàn tất 03 cư xá khác, mỗi cư xá dài 08 mét, rộng 06 mét rưỡi để làm nơi tu dưỡng cho Chư Tôn đức thường trực tại Tu Viện. Để đáp lại nguyện vọng thiết tha của phụ huynh, học sinh và nhu cầu kiến thức phổ thông cho Tăng sinh tại Viện nên năm 1964 Tu Viện đã xây cất một cơ sở giáo dục phổ thông mệnh danh là: Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều, cơ sở này gồm 8 phòng học và một văn phòng đầy đủ tiện nghi. Về sau, Tu Viện đã xây dựng cơ sở giáo dục thứ hai tại Diêu Trì thuộc ấp Vân Hội, xã Phước Long, quận Tuy Phước. Cơ sở này gồm có 9 phòng học kiên cố, một cư xá Giáo Sư dài 18 mét, rộng 8 mét với đầy đủ tiện nghi cho học sinh nằm trên khu đất do hai Phật tử Huỳnh Thắng Châu và Huỳnh Thắng Kim hiến cúng. Vào ngày 17 tháng 11 năm Mậu Thân (05-01-1969) là ngày kỷ niệm Đệ Thập Chu Niên khai sáng Tu Viện Nguyên Thiều, Tu Viện đã kiến thiết một Liên Đài Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngay trên một đài sen vĩ đại, giữa vườn hoa trung tâm Tu Viện do Phật tử Tâm Thọ phát tâm kiến tạo.
Hoạt động của Phật Học Viện Nguyên Thiều
Sau khi khu cư xá kiên cố đầu tiên được xây dựng vào tháng 07 năm 1960, Chư tôn hòa thượng lãnh đạo Tu Viện đã tiến hành chiêu sinh theo quy chế Phật học viện. Theo đó, vào ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu (06-03-1961), nhằm ngày húy kỵ Quốc sư Phước Huệ, khóa tu học đầu tiên đã được khai giảng. Về mặt giáo dục, HT. Huyền Quang làm Đốc giáo, HT. Thích Tâm Hoàn làm Phó Đốc Giáo; về mặt quản lý Tu Viện, HT. Thích Giác Tánh làm trưởng Ban Quản Trị, HT. Thích Bảo An làm Phó Trưởng Ban Quản Trị. Chư hòa thượng trong Hội đồng sáng lập đều chia sẻ trách nhiệm chung về giáo dục, quản trị, tổng số Tăng sinh gồm 84 vị, học cả chương trình nội và ngoại điển. Cuối năm 1961, một phái đoàn Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần do Đại Lão HT. Thích Giác Nhiên - Chánh Hội trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Giáo Trung Phần, hướng dẫn, tháp tùng phái đoàn có HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Thiện Minh đến thăm và truy nhận bán chính thức Tu Viện Nguyên Thiều là cơ sở giáo dục của Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần và được ủy trách cho Giáo Hội Bình Định quản trị. Nhằm đáp ứng lại nguyện vọng tha thiết của phụ huynh học sinh trong việc học tập về đạo đức và kiến thức phổ thông của các Tăng sinh, nên đầu năm 1964, Tu Viện quyết định xây dựng Trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều và đã tiếp nhận Tăng sinh khóa II gồm 108 vị từ lớp 6 đến lớp 9. Cuối năm 1964, khu Tu Viện nằm trong tình trạng kém an ninh nên toàn bộ Tăng sinh được dời về Tổ đình Long Khánh, Qui Nhơn, theo lệnh của Giáo Hội Tỉnh. Tuy chiến cuộc đang căng thẳng, nhưng vào năm 1965 Ban Quản Trị Tu viện đã xây dựng cơ sở giáo dục Phổ thông thứ hai tại thôn Vân Hội, xã Phước Long, quận Tuy Phước, để học sinh Trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều được tiếp tục học tập tại đó (vì cơ sở một bị chiến tranh tàn phá vào cuối năm 1964). Đầu năm 1966, tình hình an ninh Tu Viện được ổn định, các Tăng sinh về lại tu học bình thường. Ban Quản Trị Tu viện đã tiến hành xây cất ngôi phương trượng tại vị trí khu cư xá bằng tranh, tre đầu tiên. Cơ sở thờ tự này tuy khiêm tốn về quy mô, nhưng vẫn toát lên nét vẻ uy nghi cổ kính của kiến trúc một tu viện. Ngôi phương trượng này được hoàn thành vào ngày 17 tháng 11 năm Bính Ngọ (28-12-1966) nhằm ngày kỷ niệm Đệ Bát chu niên khai sáng Tu viện Nguyên Thiều. Đại hội Văn hóa Giáo dục do Tổng vụ Văn hóa Giáo dục Phật giáo tổ chức từ ngày 02 đến 06 tháng 11 năm 1968 đã thừa nhận Tu viện Nguyên Thiều là một Phật học viện nằm trong hệ thống giáo dục của Phật giáo Thống nhất. Cũng trong năm này, Tu Viện tiếp nhận 48 Tăng sinh thuộc khóa III, học thuần lớp 9, do tổng vụ Văn hóa Giáo dục Phật giáo trung ương gởi đến. Ngày 17 tháng 11 năm Mậu Thân (05-01-1969), Ban Quản Trị Tu viện Nguyên Thiều đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Đệ thập chu niên, biên tập kỷ yếu Đệ Thập Chu Niên để lưu lại những sử liệu của Tu Viện. Ngày 17 tháng 08 năm Kỷ Dậu (28-09-1969), Đại hội khoáng đại kỳ I của Tu Viện Nguyên Thiều đã được tổ chức tại hội trường Tu Viện dưới sự chứng minh của Chư tôn Trưởng lão: HT. Bạch Lộc, HT. Thiên Đức, HT. Thọ Sơn và HT. Thiên Bình, cùng với sự tham dự đông đủ của Chư Tôn đức đại diện GHPGVNTN Bình Định, Giáo hội các quận, Ban Quản Trị Tu Viện, v.v... kết quả của Đại hội là thông qua Bản Qui Chế Tu Viện gồm 9 Chương và 45 Điều; và suy cử Tân Ban Quản Trị Tu Viện Niên khóa 1970-1973 do HT. Thích Huyền Quang làm Giám Viện, HT. Thích Tâm Hoàn làm Phó I Giám Viện, HT. Thích Bảo An làm Phó II Giám Viện, HT. Thích Đồng Từ làm Tổng Thư Ký, v.v… Đầu niên khóa 1970 – 1971, Tu Viện đã tổ chức chiêu sinh tiếp nhận hơn 30 học sinh lớp 6, từ các thôn, xã trong huyện gởi về. Các khóa học sau đó tại Tu Viện được tiếp diễn đến năm 1975. Trong suốt 17 năm (1975 - 1992) kể từ ngày đất nước thống nhất, tuy việc giáo dục không được tiếp nối do điều kiện khách quan, song HT. Thích Đồng Thiện – Thành Viên Sáng Lập, Đệ Nhất Trú Trì Tu Viện, và Chư Tăng thường trú tại Bổn Viện đã âm thầm kiên trì bám trụ, giữ gìn từng tấc đất, cội cây, có những lúc phải đối diện với thử thách sanh tử, nhưng các ngài vẫn luôn an trú trong tinh thần vô úy để bảo tồn mảnh đất thiêng liêng của Phật giáo tỉnh nhà. Từ năm 1969, Đại Hội Khoáng Đại kỳ I đã công cử HT. Thích Đồng Thiện làm Đệ nhất Trú trì Tu Viện Nguyên Thiều và Ngài đã đảm nhận trọng trách cao cả này cho đến khi viên tịch vào ngày 19-09-2001. Kể từ ngày khai sơn Tu Viện, trong suốt 43 năm thường trú tại Tu Viện, Hòa thượng quên mình chăm lo cho việc quy hoạch, kiến thiết, xây dựng, bảo tồn, nuôi dạy học Tăng, môn đồ, kiên tâm bền chí bảo vệ đất đai và di sản của Tu Viện. Chính đức hạnh thanh cao và nghị lực uy dũng, vô úy của Ngài đã giúp Tu Viện vượt qua bao chướng ngại, thử thách để Tu Viện được duy trì ổn định và trang nghiêm như ngày hôm nay. Sau khi Hòa thượng Đệ nhất Trú trì viên tịch, vị Đệ nhị Trú trì Tu Viện Nguyên Thiều là HT. Thích Quảng Bửu. Ngài xuất gia tại Tu Viện Nguyên Thiều năm 1965, sau đó là giáo thọ tại Trường Trung Học Bồ Đề tại Nguyên Thiều và Diêu Trì, đồng thời là giáo thọ kiêm Giám luật của trường TCPH Bình Định. Là bậc Giáo thọ giảng dạy lâu nhất của trường từ năm 1992 đến năm 2015. Đức hạnh, sự nghiêm cẩn, lòng từ bi và kiến thức nội điển uyên thâm của Ngài đã khiến cho Tăng Ni sinh từ khóa I đến khóa VII vô cùng kính ngưỡng và thán phục. Một đời Ngài nghiêm trì giới luật, miên mật thời khóa công phu. Trong suốt 25 mùa an cư (1991 – 2015) liên tục không gián đoạn, Hòa thượng đã đích thân hướng dẫn đại chúng công phu bái sám, ngày đêm sáu thời tinh tấn hành trì. Với đức hạnh kiêm ưu và kinh nghiệm tinh thông về giới luật, từ năm 1994 đến năm 2013, Hòa thượng được Chư sơn trong và ngoài tỉnh cung thỉnh trong hàng thập sư và giáo thọ A-xà-lê cho nhiều Đại giới đàn. Ngài còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, phiên dịch và in ấn nhiều tác phẩm Kinh, Luật, Luận. Bên cạnh đó, Ngài còn khai khẩn đất đai, mở rộng khuôn viên tu viện, xây dựng mới Tây đường, phòng khách và khu Tăng đường, trai đường phía sau Tổ đường. Sau 73 năm trụ thế và 44 năm hành đạo viên mãn, Ngài đã an nhiên thị tịch vào ngày 30 tháng 04 năm 2016 (nhằm ngày 25 tháng 03 năm Bính Thân). Sau khi HT. Thích Quảng Bửu viên tịch, vị kế thừa chăm lo mọi Phật sự Tu Viện hiện nay và là Đệ tam Trú trì Tu Viện Nguyên Thiều là TT. Thích Minh Tuấn.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của sự ra đời Tu Viện Nguyên Thiều
Sức mạnh của Phật giáo có được khi mà Tăng đoàn biết sống theo tinh thần lục hòa, lấy giới luật làm giềng mối, lấy lý tưởng phụng sự đạo pháp, dân tộc và nhân loại làm lẽ sống của đời mình. Sự ra đời của Tu Viện Nguyên Thiều là một minh chứng cho tinh thần hòa hợp đoàn kết của Chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử của Phật giáo Bình Định trong Phật sự chung của tỉnh nhà. Nói đến Tu Viện là nói đến một trang sử Phật giáo sinh động mà ở đó hình ảnh của các bậc Tòng lâm Thạch trụ luôn tỏa sáng tươi đẹp, tạo nên một nguồn năng lượng nhiệm mầu để sưởi ấm, gia hộ và thôi thúc các thế hệ Tăng Ni tiếp nối ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và bổn phận của mình trong việc đền đáp thâm ân Tam Bảo. Tu Viện luôn được xem là điểm hội tụ tâm linh rất ý nghĩa của bao thế hệ Tăng Ni đã có duyên lành được tắm mình trong những cơn mưa pháp, tận hưởng những dòng sữa pháp, lắng lòng trong những hồi trống pháp và thả hồn theo từng âm vang ngân nga của tiếng chuông pháp. Thật là nhiệm mầu khi những âm ba Chánh pháp trên đỉnh núi Thứu thiêng liêng ngày xưa đã theo gió lan xa và chan hòa trong từng viên phấn trắng, bảng xanh, từng con đường thân quen, từng cội cây, chiếc lá của Tu Viện, mang đến niềm hỷ lạc trong tâm thức tinh khôi và trong sáng của bao thế hệ học Tăng, học Ni nơi mái Già Lam này. Danh xưng của Tu Viện như là một thông điệp về lòng tri ân đến Tam Bảo và các bậc tiền bối, về sứ mạng hoằng truyền Chánh pháp, tiếng dẫn hậu lai, về tinh thần vô phân biệt quốc gia, chủng tộc, hệ phái, tông môn, v.v… để cùng nắm tay nhau vì lý tưởng và tiền đồ chung của Chánh pháp và sự an lạc của pháp giới chúng sanh.
Lời Kết: Như một đóa sen tinh khiết tươi nhuận mọc lên trong khói lửa chiến tranh, Tu Viện được khai sáng trong thời điểm gian khó, trải qua nhiều gian nhiều nguy thử thách, được tưới tẩm bằng tình thương, được kiến tạo bằng tuệ giác và chí nguyện, được xây dựng bằng nước mắt mồ hôi của toàn thể Tăng Ni, Tín đồ và các nhà hảo tâm, để thực hiện một trọng trách vĩ đại, một mục đích duy nhất là đào tạo Tăng tài cống hiến cho Phật pháp. Thế hệ Tăng Ni hôm nay và mai sau sẽ không chỉ kế thừa, bảo tồn và phát triển cơ sở vật chất của Tu Viện, mà quan trọng hơn là kế thừa chí nguyện, tâm huyết và hoài bão to lớn của các bậc khai sáng Tu Viện, để Nguyên Thiều luôn mãi là niềm tự hào, niềm tin yêu, là nơi xứng tầm trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo, để đạo pháp luôn tỏa sáng trong nhân gian.
Tài liệu tham khảo:
Kỷ yếu Đệ Thập Chu Niên Tu Viện Nguyên Thiều, 1969.
Văn Khố Tu Viện Nguyên Thiều.
Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật-giáo Việt Nam, Phật Học Viện Quốc Tế, 1970.
Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa, 2008.
Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức, 1960.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học Hà Nội, 1994.
[1]Hiện người viết chưa tìm thấy văn bản chính thức về Hội Đồng Sáng Lập. Theo HT. Thích Thiện Hoa trong tác phẩm 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo, HT. Thích Huyền Quang đã sáng lập Tu Viện Nguyên Thiều và sau đó cúng cho Giáo Hội Bình Định, dưới hệ thống của Giáo Hội Trung Phần. Theo tài liệu biên soạn của HT. Thích Đổng Quán, Hội Đồng Sáng Lập Tu Viện Nguyên Thiều gồm 12 vị Tôn túc, đó là các ngài: HT. Thích Huyền Quang, HT. Thích Đồng Thiện, HT. Thích Bảo An, HT. Thích Ngọc Lộ, HT. Thích Minh Quang, HT. Thích Bửu Quang, HT. Thích Giác Tánh, HT. Thích Tâm Hoàn, HT. Thích Đổng Quán, HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Thích Liễu Không và HT. Thích Như Bửu.