TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC BÌNH ĐỊNH TỔ CHỨC ĐÊM HOA ĐĂNG KÍNH MỪNG ĐỨC BỔN SƯ THÀNH ĐẠO PHẬT LỊCH 2563

Chủ nhật - 05/01/2020 09:12
Lịch sử nhân loại ghi nhận, cách đây gần ba ngàn thiên niên kỷ, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà (nay thuộc thị trấn Gaya, tiểu bang Birha, Ấn độ) có một con người bình thường, bằng đấu tranh nội tại đã từ bỏ tước vị thái tử của một nước, ra đi mang trong mình hoài bão khám phá chân lý, tìm ra con đường cứu độ nhân sanh. Với lòng bi nguyện hoà cùng sức mạnh phi thường, vào đêm mồng 8 tháng chạp theo truyền thống Bắc Tông ( ngày Rằm tháng Vesàkha, năm 588  trước TL, theo sử Nam tông ), từ phương đông khi sao mai vừa xuất hiện, cũng là lúc con người bình thường này chứng được Tam minh, chiến thắng ma quân, phá tan não phiền, hoàn tất tiến trình sanh tử luân hồi, vĩnh tận mọi trói buộc đau khổ do tham lam, sân hận và vô minh chi phối, phất lên ngọn cờ giải thoát, cất khúc khải hoàn ca. Người đó không ai khác chính là đức Thế Tôn, bậc Chính Đẳng giác, bậc Thầy của trời người, Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Thời khắc thành đạo của Ngài dưới cội cây Tất-bát-la xum xuê cành lá là sự kiện hy hữu, đánh dấu cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện bản thân, chiến thắng cả nội giới lẫn ngoại giới, mở ra kỷ nguyên bình đẳng, vị tha, hiểu biết và yêu thương, đưa nhân loại tiến lên con đường an vui vĩnh cửu.
TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC BÌNH ĐỊNH TỔ CHỨC ĐÊM HOA ĐĂNG KÍNH MỪNG ĐỨC BỔN SƯ THÀNH ĐẠO PHẬT LỊCH 2563
Để tưởng nhớ thời khắc nhiệm mầu huyền diệu ấy của Đấng Giác Ngộ, tối ngày 02/01/2020 ( nhằm 08/Chạp/ Kỷ Hợi) tại khuôn viên Phật đài trường TCPH Bình Định - Tu viện Nguyên Thiều, thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã trang nghiêm tổ chức lễ hoa đăng kính mừng ngày Đức Thế Tôn thành đạo PL. 2563. Đồng thời, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc dâng lên chư Tôn Giáo phẩm, chư Tôn thiền đức, thành kính đảnh lễ Giác Linh chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng sáng lập tu viện Nguyên Thiều, Ban giám viện, Ban bảo trợ, các Tiền nhân công đức đã quên mình cho mái trường Phật học này. 
Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có: HT. Thích Nguyên Phước - Uỷ Viên Thường Trực HĐTS GHPGVN, trưởng BTS kiêm trưởng Ban Tăng Sự GHPGVN tỉnh Bình Định, HT. Thích Nguyên Khiết – nguyên Phó ban Pháp Chế Trung Ương, trưởng Ban Pháp Chế GHPGVN tỉnh Bình Định, nguyên Giáo thọ sư trường TCPH Bình Định, HT. Thích Nguyên Huệ - nguyên Phó ban hướng dẫn Phật Tử Trung ương, nguyên Trưởng ban hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Bình Định, nguyên phó hiệu trưởng, Giáo thọ sư trường TCPH Bình Định, ĐĐ. Thích Đồng Thành - uỷ viên HĐTS GHPGVN, phó trưởng BTT BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định, chư Tôn đức Ban giám hiệu, Ban giáo thọ, Ban quản chúng trường TCPH Bình Định, chư Tôn đức tại trú xứ tu viện Nguyên Thiều, chư Tôn đức Tăng Ni trú trì các tự viện trong tỉnh, đặc biện sự hiện diện của ĐĐ. Thích Viên Hải - ủy viên Ban thông tin truyền thông Trung Ương, trưởng Ban thông tin truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam đặc trách kênh Phật sự Online khu vực miền trung cùng đoàn Ekip đã đến cộng tác, phát sóng cho chương trình Phật sự, toàn thể 262 Tăng Ni Sinh khóa VIII cùng chư Thiện tín Phật tử gần xa hơn 300 vị cũng đã về tham dự trong đêm hoa đăng .
Sau khi cung nghinh chư Tôn đức quang lâm về khu lễ đài chính, mở đầu chương trình là nghi thức niệm Phật cầu gia hộ. ĐĐ. Thích Đồng Thành, đại diện BGH nhà trường tuyên đọc diễn văn khai mạc:
“Trong một đêm thanh bình tĩnh mịch cách đây hơn 26 thế kỷ. Khi nhân loại đang chìm trong giấc ngủ vô minh, đang u hoài thổn thức trong đêm trường sanh tử. Thì dưới cội bồ đề, bên dòng sông Ni Liên Thuyền, Bồ Tát Tất-đạt-đa đã hàng phục tất cả Ma vương phiền não ngoại cảnh lẫn nội tâm, dứt được mọi cội gốc sanh tử, chứng đắc Vô thượng bồ đề. Đó là giây phút huy hoàng nhất trong cuộc đời của Đức Phật. Một điểm son trong phả hệ truyền thừa của dòng họ Thích Ca, một trong những sự kiện hy hữu nhất trong lịch sử tôn giáo ở Ấn Độ. Chính trong giây phút đó, Bồ Tát không còn là một chúng sanh bình thường, mà Ngài đã trở thành một đấng giác ngộ. Điều này đã minh chứng một sự thật cao quý rằng : Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa, không phải là một thiên sứ, cũng không phải là một nhà cứu rõi hay một vị tiên tri. Mà ngược lại, Ngài là một con người như bao nhiêu con người khác, một chúng sanh như bao chúng sanh khác. Nhưng điểm nổi bật của Ngài là một tâm hồn thánh thiện, một khát vọng vô biên để tìm cầu chân lý, một ý chí kiêu hùng, một tinh thần quả cảm. Tất cả những phẩm tính cao đẹp đó đã hung đúc cho nhân cách và tâm nguyện của Ngài để rồi trong đêm hôm ấy, ánh sáng giác ngộ bừng lên và khúc ca khải hoàn đã vang vọng tại Gaya, một vùng quê yên tĩnh hiền hòa thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà.
Kể từ giây phút huy hoàng ấy được cất lên, ánh sáng chân lý, ánh sáng Chánh Pháp bắt đầu tỏa chiếu nơi muôn loại chúng sanh được diễn phúc thấm nhuần trong ánh đạo huy hoàng. Trải qua bao thế kỷ, Phật Giáo được truyền bá khắp nơi trên hành tinh này.
Hôm nay đây, tại Tu viện Nguyên Thiều, điểm hội tụ tinh hoa của Giáo dục Phật Giáo Bình Định, chư Tôn đức nhà trường, cùng toàn thể Tăng Ni Sinh khóa VIII cùng vân tập dưới Kim thân đức Bổn Sư, một tôn tượng lịch sử, một chứng tích quan trọng của Phật Giáo tỉnh nhà, cùng hồi tưởng lại giây phút huy hoàng của Ngài để tưởng niệm, để dâng lên lời kinh trầm lắng, và để thắp lên ngọn nến tri ân, tiếp nối ngọn đèn trí tuệ siêu việt của Ngài. Để phát nguyện và giữ gìn, truyền thừa ngọn đèn chánh pháp cho ngàn đời sau.”
Đêm tri ân được tiếp nối với nghi thức tụng kinh cầu nguyện. ĐĐ. Thích Đồng Kim - điều phối chương trình cung thỉnh HT. Thích Nguyên Phước niêm hương bạch Phật cùng toàn thể hội chúng trì tụng kinh Chuyển Pháp Luân. Giây phút thiêng liêng nhất trong đêm lễ được hàng tứ chúng đón chờ nhất, đó là thời khắc đón nhận ánh sáng trí tuệ từ bàn Phật của HT. Thích Nguyên Phước. Cũng từ đó, ánh sáng được truyền qua cho chư Tôn đức như biểu hiện của sự hòa hợp, kế thừa và phát huy những giá trị của Phật giáo. Từ ánh sáng ấy, HT và chư tôn đức truyền đến cho hàng Tăng Ni sinh như là sự quan tâm, khắc khỏi, một niềm hy vọng đặt lên thế hệ đạo pháp tương lai. Ánh sáng ấy còn nối truyền đến hàng Phật tử, tất cả đón nhận bằng niềm tin, bằng lòng chí thành nhớ ân đức Từ Phụ, hành theo Chánh Pháp, hộ trì Chánh pháp. Chính giây phút này, trong không gian bao la tĩnh lặng, người con Phật như nhất tâm chí hướng, một lòng thanh tịnh đón nhận ánh sáng từ tình thương và sự che chở của quý Ngài như thể nơi đây, chính giây phút này tất cả đang ở bến đỗ tâm linh của chính mình. Từng ngọn nến được thắp lên, những tâm hồn như ấm lại để hòa mình trong một khung cảnh lung linh huyền ảo. Đèn chánh pháp là đây, dâng trên tay ngọn nến hồng, chúng con nguyện không quên ân đức cao dày đó.
Trong tiết trời se lạnh thỉnh thoảng xen lẫn những giọt mưa phùn vào những ngày cuối đông của khí hậu miền trung, giờ phút thiêng liêng này, những ngọn tuệ đăng đã được thắp lên, toàn thể hội chúng đã cùng nhau xướng niệm danh hiệu đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, từng câu như thẩm sâu vào lòng người, hình bóng của  bậc Vĩ nhân dường như đang hiện diện nơi nội tâm những người con Phật.
Đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Nguyên Phước nhắc lại nguyên nhân thái tử xuất gia, về sự hình thành nên ngôi Tam Bảo: Ngài là Phật bảo, giáo ly Tứ Đế được thuyết giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như là hai ngôi  Pháp bảo và Tăng bảo.
…Kể từ sau khi chứng ngộ, Ngài đã xây dựng một nền giáo Pháp trung đạo trên nền tảng của tinh thần từ bi, trí tuệ và bình đẳng. Từ bi hiện hữu như thuở xưa khi Ngài còn là một thái tử, nhìn thấy những loài trùng bị phơi mình ngoài nắng gắt trong ngày lễ hạ điền,... Trí tuệ là thấu rõ tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ nên Ngài đã quyết định đem giáo pháp ban rải đến nhân sanh. Bình đẳng là không phân biệt giai cấp, từ Ưu-ba-li là xuất thân từ dòng Thủ đà la cho đến A Nan Đà , Ya-xá, La Hầu La,… đều là những vị hoàng tử. Hay tên sát nhân Vô Não,.. Ngài đều dùng từ bi và tuệ giác mà cứu giúp tất cả.
HT cũng khuyến tấn đến tăng ni sinh, là những người có cơ duyên được xuất gia, lại phước báu khi được tham học tại ngôi trường này, là thế hệ tiếp nối mạng mạch đạo pháp sau này. Cho nên các con phải siêng năng, tinh tấn, nối trí các bậc ân sư đi trước,... Đồng thời tán dương công đức BGH trường cùng chư Tôn đức hằng năm đã tổ chức nên một đêm hoa đăng vô cùng ý nghĩa.”
Buổi lễ khép lại lúc 20h30, giây phút thiêng liêng của bậc Đại Giác mãi là điểm tựa tâm linh vững chải cho hàng đệ tử, là một dịp cho Tăng Thân cùng ngồi lại với nhau để hồi tưởng, để nhớ ân, để không ngừng nỗ lực cống hiến sức mình cho sự hưng thịnh Phật Pháp. Là lúc mà hàng hậu học được đón nhận những ngọn tuệ đăng từ các bậc tiền bối, để ánh sáng trí tuệ mãi mãi lưu truyền. Là cơ hội để hàng Phật tử hiểu thêm được cuộc đời thành Đạo của đức Từ Phụ khai sáng,... Tất cả đã để lại những dấu ấn tâm linh riêng trong cuộc hành trình tìm về chân an lạc vĩnh cửu của mỗi người con Phật.

02

03

04

05

06

07

08

09

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30
 

Tác giả bài viết: Tin Nhuận Mến, ảnh Nhật Hiếu.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://phathocviennguyenthieu.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Videos
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay668
  • Tháng hiện tại9,990
  • Tổng lượt truy cập729,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây