Phật giáo Bình Định trang trọng cử hành Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Thứ ba - 27/03/2018 15:25
Sáng nay ngày Mồng 01.11. Đinh Dậu (18.12.2017) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định trang trọng cử hành Đại Lễ Tưởng Niệm lần thứ 709 Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Buổi lễ diễn ra tại chùa Giáo Hội Tỉnh, 141 Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn.
Phật giáo Bình Định trang trọng cử hành Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Sáng nay ngày Mồng 01.11. Đinh Dậu (18.12.2017) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định trang trọng cử hành Đại Lễ Tưởng Niệm lần thứ 709 Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Buổi lễ diễn ra tại chùa Giáo Hội Tỉnh, 141 Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn.

Quang lâm chứng minh tham dự có HT.Thích Giác Trí, Thành viên HĐCM. GHPGVN, Chứng minh BTS. GHPGVN tỉnh Bình Định, HT.Thích Nguyên Phước, Ủy viên HĐTS. GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định, HT.Thích Trí Giác, Chứng minh BTS. GHPGVN Tp. Quy Nhơn, HT.Thích Giác Tần, CM. BTS. GHPGVN thị xã An Nhơn. TT.Thích Đồng Quả, TT.Thích Hồng Thiện, TT.Thích Chúc Thọ, TT.Thích Quảng Độ, Ni Trưởng TN. Hạnh Quang, ĐĐ.Thích Nhuận Trí, ĐĐ.Thích Viên Chơn đồng P.Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định cùng chư Tôn Thiền đức Tăng Ni Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện, thị xã, Thành phố, Tăng Ni sinh Trường TCPH Bình Định và chư Thiện tín Phật tử trong tỉnh về tham dự.

Lãnh đạo chính quyền có Ông Phan Phi Hổ, Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN tỉnh Bình Định, Ông Trần Huy Giáp, P.Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, Ông Hồ Quang Thơm, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bình Định, Ông Lương Đình Tiên, P.Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định, Ông Đinh Cao Thới, P.Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo – Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, Ông Phạm Minh Dư, P.Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Định, Ông Hồ Minh Đức, P.Trưởng phòng Nội vụ Tp. Quy Nhơn, Ông Nguyễn Anh Tuấn, PCT. UBND phường Trần Hưng Đạo, Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch UB. MTTQVN phường Trần Hưng Đạo.

Đại lễ trang nghiêm trong nghi thức niệm Phật, tưởng niệm và sau đó lắng nghe TT.Thích Đồng Quả cung tuyên tiểu sử Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngài sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, tức vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ và mất ngày 16 tháng 12 năm 1308 tức vào ngày 03 tháng 11 năm Mậu Thân.
"Khi đức vua sinh ra, được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng nên được Vua cha đặt cho hiệu Phật Kim. Thuở nhỏ, Ngài thường theo vua cha lên chơi núi Yên Tử nên sớm bộc lộ chí xuất gia tu hành. Năm 21 tuổi, Ngài được vua cha truyền ngôi báu (1297) và đã làm vua suốt 14 năm trời. Vì là bậc minh quân có biệt tài kinh bang tế thế, Ngài có công lớn trong việc lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, xây dựng đất nước phồn vinh. Mười lăm năm ở ngôi Thái Thượng Hoàng, cũng là mười lăm năm vua Trần Nhân Tông tu hành và hiển Phật.

Vua Trần đi tu, không phải để trốn đời, yếm thế, mà đi tu để nhập thế, cứu đời. Có điều, nhà vua không phải cứu đời theo kiểu của một ông Vua, mà là theo kiểu của bậc thánh nhân. Làm vua chỉ chăn dân trăm họ. Làm Phật cứu độ cả muôn loài. Bởi vậy, tấm gương Vua Phật tuy ẩn mà lại hiện, tuy mờ mà lại sáng. Ngài bứt khỏi cái bình thường để vượt lên trở thành cái phi thường.

Sau khi truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, Ngài tập trung biên soạn kinh sách và Ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho đàn hậu học một số tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục v.v….

Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt, ai hiểu được như vầy, thì chư Phật hiện tiền, nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sanh, nhất thiết pháp bất diệt, nhược năng như thị giải, chư Phật thường tại tiền, hà khứ lai chi hữu).

Theo sử cũ, Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 03/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Sau đó, Vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ.

Sau khi thu nhặt Xá lợi, Xá lợi được chia làm hai phần, một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng – Thái Bình; một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên – Yên Tử, Quảng Ninh, lấy hiệu là Huệ Quang Kim Tháp, dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.

Văn Tưởng Niệm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được Hòa Thượng Thích Nguyên Phước tuyên đọc:

Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, làng Hải Ấp, Hải Triều – Kinh Bố,  quê hương họ Trần dấy nghiệp. Đất Thăng Long kinh thành hoa lệ, hai Triều Vua củng cố Đế đô, đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ngâm khúc âu ca, cả nước vui câu hữu đạo. Rồi một thuở duyên lành xuất hiện, Hoàng thái hậu thụ thai, đấng Tu mi đáng bậc mày râu, vai Thiên tử từ đây kế nghiệp. Đức Thánh Tông định lập Đông cung, chọn người thừa kế ngai vàng. Thọ học với bao hàng thức giả, danh Sư - Tuệ Trung Thượng Sĩ thắm mùi Thiền, Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố dày công dạy dỗ. Khi đến độ nhân duyên hội đủ, kế nghiệp phụ vương, lên ngôi Cửu ngũ, trị quốc an dân, lo bề giữ nước, đoàn kết một lòng, quy tụ người tài đức, nêu cao gương hỷ xả, bỏ qua lỗi cũ, đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh dân tộc, Hội nghị Bình Than, Diên Hồng một thuở, lấy ý chí toàn dân, làm ý chí của mình, chống giặc ngoại xâm, Nguyên Mông khiếp đỏm, đẩy lùi quân giặc, hai cuộc xâm lăng, chiến thắng vạn quân, giữ nguyên bờ cõi. Quả thật: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Với tinh thần công thành thân thoái, Ngài đã lên ngôi Thái Thượng Hoàng, truyền ngôi cho Thái tử Anh Tông kế nghiệp, thực hiện những bước vân du hóa đạo khắp nhân gian Đại Việt, Thành Đồ Bàn một thưở lưu danh, đất Chiêm Thành chào mừng Thánh Thượng, Huyền Trân Công Chúa, Chế Mân một thuở gieo duyên, liên kết hai dân tộc Việt – Chăm, ổn định hòa bình hữu nghị. Tổ lại đi khắp chốn thôn quê, thành thị, khuyên nhân dân thực hiện 10 điều lành, xây dựng nhân gian Tịnh độ, Cực lạc tại trần gian bằng con người và tâm thanh tịnh. Tu tâm dưỡng tánh, tin Phật tại Tâm, Tâm là Phật, ngộ Phật ngộ Tâm viên dung một thể. Quả thực: “Cửa báu đầy kho thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Công đức hoằng dương Phật pháp của Tổ Sư sau khi ngộ đạo, Điều ngự Giác Hoàng, Vua Phật trần gian, trăm hoa đua nở, ngàn cỏ hương thơm, chín nước, mười mây vang rền tiếng Pháp, chống gậy trúc dạo chơi thiên hạ, nâng gót hài đại địa vững bền. Quả thực: “Rừng thiền Tùng Trúc còn in bóng. Xào xạc canh thâu tiếng Pháp mầu”. Rồi Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Tổ khai sơn truyền thụ Tâm tông, Pháp Loa, Huyền Quang Tôn giả, nối dõi Tông phong, Thiền giáo song hành, ba dòng thành một, Phái Thiền Đại Việt ngàn đời, làm cho Tổ ấn rạng ngời, đèn Thiền tỏ rạng, hương giới bay xa, chan hòa Pháp giới, non sông xán lạn, vũ trụ huy hoàng, nhật nguyệt hồi quang, Đạo vàng chói lọi. Phật giáo thời Trần muôn thuở, Tam giáo đồng nguyên, chan hòa tình Dân tộc, nghĩa Pháp lữ đời đời, lương duyên hội tụ, cùng nhau chung sống hòa bình. Từ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, phái Thiền Việt Nam đầu tiên do Tổ sáng lập, đã được lập cước trên những di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng già Toái Sự, Thạch Thất Mị Ngữ, Trung Hưng Thực Lực v.v… Quả thực: “Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương. Trăng sáng năm xưa ngặp dặm đường. Hoa lòng đã nở từ độ ấy. Nương Pháp âm về tận cố hương”. Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, Tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ Sư đã dạy: “Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này. Thì Chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp Hộ quốc an Dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau. Nhất là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Giáo hội thống nhất Phật giáo cả nước, theo truyền thống Tốt đời Đẹp đạo hai ngàn năm lịch sử truyền thừa, nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, của hồn thiêng sông núi Đại Việt và tinh thần đoàn kết hòa hợp đa Tôn giáo, xây dựng một Tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và Dân tộc Việt Nam. Quả thật:
“Vạn kiếp uy nghi ngôi Tháp Tổ, Khói vẽ nên hình chốn nhân gian”. Hôm nay, nhân lễ Kỷ niệm 709 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, nhân dân Việt Nam, con cháu Tiên rồng, nhiều đời Trần Việt, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bình Định..., xin đốt nén Tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, Tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt Đời đẹp Đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một Thiên đường, Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là Sống, là Tâm Từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của Trần thế, thực hành Bồ tát đạo. Quả thực: “Mãi mãi sáng ngời gương Phật Tổ, Ngàn sau còn chiếu rạng nét Tông phong”.

Tri ân công đức vô lượng vô biên của Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, toàn thể chư Tôn Giáo phẩm, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, Quý Lãnh đạo chính quyền và chư Thiện tín Phật tử tại buổi lễ đồng khởi thân trang nghiêm cử hành nghi lễ dâng hương tưởng niệm với tất cả lòng thành kính hướng về Đức Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông Tổ Sư.

Đại Đức Thích Nhuận Trí, thay mặt Ban Tổ chức thành tâm cảm tạ chư Tôn Giáo phẩm, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, Quý Lãnh đạo chính quyền cùng chư Thiện tín Phật tử và tuyên bố kết thúc buổi lễ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Thiện Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Videos
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay378
  • Tháng hiện tại2,320
  • Tổng lượt truy cập782,190
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây