NGÀY THỨ 4 TRONG CHUYẾN ĐI HÀNH HƯƠNG – DÃ NGOẠI – CHIÊM BÁI CÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO MIỀN BẮC

Chủ nhật - 02/04/2023 15:00
Nối tiếp chuyến hành trình chiêm bái những vùng đất lịch sử tại miền Bắc, sau một đêm được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, TNS đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thứ tư với những điều hay và mới lạ đang chờ ở phía trước.
NGÀY THỨ 4 TRONG CHUYẾN ĐI HÀNH HƯƠNG – DÃ NGOẠI – CHIÊM BÁI CÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO MIỀN BẮC
Theo lịch trình, Đại chúng sẽ được viếng thăm Danh Thắng Yên Tử và Am Ngoạ Vân vào ngày thứ tư của cuộc hành trình.

Sau khi lấy lại năng lượng nơi đất mẹ thiên nhiên hùng vĩ tại rừng trúc Yên tử, 06h00’ Theo sự chỉ dẫn tận tình của Hoà Thượng Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, điểm đến đầu tiên sẽ là chùa Đồng trên non thiêng Yên Tử. Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) là ngôi chùa tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m). Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á.

Đúng 7h00, Đại chúng bắt đầu di chuyển. Vượt qua hai chặng “cheo leo giữa trời” bằng cáp treo và được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp nơi đây, Đại chúng phải đi bộ thêm 560 bậc đá nữa (tương đương 2km) để lên tới được Chùa Đồng. Tại đây, đất trời như giao cảm, tương thông với lòng thành của Đại chúng, một cơn mưa “dại” đổ xuống như muốn thử lòng. Mặc cho mưa to cỡ nào, đường dốc trơn trượt nguy hiểm đến đâu cũng không thể ngăn được tấm lòng muốn một lần nhìn thấy nơi “Ông vua hoá Phật” tu hành của Thầy và Trò trường TCPH Bình Định.

Tới nơi, sau khi cảm nhận được linh khí, bao nhiêu muộn phiền cũng theo gió mây tan biến. TT. Hiệu Trưởng và Chư Tôn đức đã có một thời Kinh cầu nguyện trong ngôi chùa chỉ vỏn vẹn 20m vuông. Thời Kinh tuy ngắn nhưng lòng thành vô hạn, có lẽ vì điều đó mà đất trời cảm động, cơn mưa đã dừng lại. Sự kiện này làm rúng động nhân tâm, Đại chúng và những du khách có mặt ở đó ai ai cũng trố mắt kinh ngạc với niềm tin vào Phật pháp tròn đầy. Có người vui sướng nhưng cũng có người bật khóc, khóc nức nở, khóc vì được đặt chân lên đất Tổ linh thiêng, khóc vì “Cảnh xưa còn đó, nhưng người còn đâu?!”

Sau khi chinh phục được đỉnh cao của Non thiêng Yên Tử, Đại chúng dần dần di chuyển xuống địa điểm an trí bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông với độ cao 600m so với mực nước biển. Bức tượng nặng 138 tấn.

Phật hoàng Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2  vào năm 1285 và thứ 3 vào năm 1287-1288. Tháng 10 năm 1299, Ngài tới núi Yên Tử để tu tập và lấy pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Sau đó sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm- rừng trúc – một sản phẩm độc đáo của Yên Tử tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp tao nhã để đặt tên cho dòng thiền của mình.

Đây là Thiền phái mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Đối diện trước dung nhan của Ngài, Đại chúng với tấm lòng kính lễ và cảm xúc dâng trào, một ông vua vĩ đại, dám từ bỏ ngai vàng, lên sống ẩn dật nơi chốn rừng thiêng nước độc, những giọt nước mắt sụt sùi hạnh phúc, với lòng tự hào của một người con Phật:
“Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.”

Sau khi chiêm bái, Đại chúng mang theo mình một niềm hỷ lạc vô biên xuống núi. 
Đúng 12h30’, Đại chúng có mặt tại Nhà hàng Ven Suối để thọ trai trong tiếng du dương của âm nhạc bên dòng suối Giải Oan. Tương truyền, dòng suối này có tên là Giải Oan vì nơi đây, các cung phi của Vua Trần Nhân Tông đã gieo mình xuống suối sâu để giữ gìn khí tiết khi Vua bước sang một ngã rẽ mới của cuộc đời.

Sau giờ nghỉ ngơi trong lòng mẹ yên ả của thiên nhiên, 13h30’ để tiếp tục cho cuộc hành trình ngày thứ 4, chuyến xe bắt đầu lăn bánh đưa Đại chúng đến chùa Hội Quốc- nơi tôn thờ và tưởng niệm chư anh hùng liệt sỹ vì tổ quốc hi sinh.

Nơi đây, Đại chúng đã có một thời kinh cầu siêu độ vong linh. TT. Hiệu trưởng thay mặt đoàn dâng lời cầu nguyện để hương linh siêu thoát, phù hộ cho đất nước hoà bình, nhân dân an lạc và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chư vị hương linh, vì biết rằng mảnh đất đang đứng đây được làm bằng xương và máu của các vị chiến sỹ trận vong. Đại chúng ai cũng nhất tâm cầu nguyện.

15h00’ Thầy và trò Trường TCPH Bình Định hướng đến Quỳnh Lâm Tự, hay còn gọi là chùa Lục Tổ, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.  Đây được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên tại nước ta, là một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ 14 với hoạt động của Đại Sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây, tương truyền có một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (khoảng 20 m) từng được coi là một trong “An Nam Tứ Đại Khí” và một tấm bia đá lớn cao 2,5 m, rộng 1,5 m với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm mại.

16h00’ Đoàn di chuyển đến Chùa Ngọa Vân. Chùa Am Ngọa Vân (Chùa nằm trên mây) là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, Chùa - Am Ngọa Vân có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp.

Sau khi lên tới đỉnh Ngọa Vân, thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng và đọc sám Quy Mạng, âm thanh hoà quyện của đại chúng làm rung chuyển cả núi rừng Ngoạ Vân: “Quy mạng thập phương Điều Ngự Sư, diễn dương thanh tịnh vi diệu pháp, tam thừa tứ quả giải thoát tăng, nguyện tứ từ bi thuỳ gia hộ. Đệ tử chúng đẳng…..”

Sau đó, mọi người bước ra sân tiền đường, cả một vùng núi non tuyệt đẹp nằm xen lẫn trong mây trắng mở ra trước mắt như một bức tranh thủy mặc ai cũng cảm nhận được sự bình yên của chốn Tổ ngày xưa…..

19h00’ Sau một chuyến hành trình ý nghĩa, Đại chúng trở lại Làng Nương để dùng dược thực nhẹ với các món ăn vô cùng đặc sắc, được thiết trí đẹp mắt…

20h00’ Đại chúng vân tập lên hội nghị đường Diên Hồng để tham dự buổi lễ truyền đăng, thiền trà. Tại đây, đại chúng cùng hòa mình vào âm thanh sâu lắng của hai bản nhạc Làng Mai, trong không gian yên tĩnh, TT. Thích Đạo Hiển đã có lời sách tấn đến Tăng Ni sinh và tạo không gian để đại chúng mở lòng cùng nhau sau một ngày chiêm bái Thánh tích Yên Tử.

Cuối ngày, Đại chúng được trở về không gian riêng để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, chuẩn bị cho chuyến hành trình khám phá miền đất Bắc ngày thứ 5!

Vậy là đã kết thúc ngày thứ 4 với âm thanh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và lời phát nguyện dõng mãnh vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người:
“Cảm đức từ bi nhiều kiếp nguyện cho thân cận
Đội ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”….


Những hình ảnh tiêu biểu:

anh 1

anh 2

anh 3

anh 4

anh 5

anh 6

anh 7

anh 8

anh 9

anh 10

anh 11

anh 12

anh 13

anh 14



Nhấn vào đây để xem Album ảnh

 

Tác giả bài viết: Tin: TS Quảng Đạt - Ảnh: Phùng Anh Quốc, Nhựt Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Videos
Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay391
  • Tháng hiện tại2,333
  • Tổng lượt truy cập782,203
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây