NGÀY THỨ 3 TRONG CHUYẾN ĐI HÀNH HƯƠNG – DÃ NGOẠI – CHIÊM BÁI CÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO TẠI MIỀN BẮC CỦA TRƯỜNG TCPH BÌNH ĐỊNH

Thứ bảy - 01/04/2023 19:50
Một hành trình ngày mới bắt đầu với những bước chân đi đến các điểm Di tích Lịch sử Việt Nam.
 
PAQ Rs 1992
PAQ Rs 1992
Hai ngày trôi qua, được đi tham quan, khám phá và trải nghiệm ở nhiều nơi khiến túi kiến thức của TNS cũng kha khá đầy, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ, còn nửa chặng đường phía sau hứa hẹn sẽ có nhiều điều mới lạ hơn đang chờ đợi. Bởi thế TNS đã sẵn sàng và tiếp tục khám phá ngày thứ 3!

“Còn chờ gì nữa thời thanh xuân có bao lâu
Tuổi trẻ phải đi trải nghiệm thế giới muôn màu
Cùng bạn cùng tôi cùng nhau đi khắp muôn nơi
Lòng còn phơi phới và đam mê từng điều mới”.

Một hành trình ngày mới bắt đầu với những bước chân đi đến các điểm Di tích Lịch sử Việt Nam.

06h30’ Sau khi dùng điểm tâm sáng, Đoàn di chuyển xuất phát từ Hà Nội, nơi đoàn đến đầu tiên là VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM  nằm ở trung tâm Hà Nội. Cổng chính của Văn miếu nằm ở phía Nam thuộc phố Quốc Tử Giám, phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu.

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu (được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông) - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám (xây dựng vào năm 1076) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là nơi để các văn thần, con cháu hoàng tộc học tập.

Đặc biệt có 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442 - 1779). Bia được đặt trên lưng rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt 300 năm. Nguyễn Trung Thu, một nhà giáo, nhà thơ hiện đại của nền Văn học Việt Nam, ông đã viết nên bài thơ “Rùa văn hiến”, nêu lên cảm nhận của một thực khách sau khi đã đến viếng Văn miếu ra về nhưng đồng thời là một lời khẳng định tính giá trị lịch sử vẻ vang còn lưu lại trên vùng đất Kinh đô:

Đã bao người vãn cảnh chùa
Cảm thương tội nghiệp thân rùa đội bia
Sáng thăm Văn Miếu ra về
Cứ vương vấn, mãi còn mê dáng rùa
Ngẩng đầu, gồng tấm lưng to
Thách ngàn năm, thách gió mưa dập vùi
Nâng bia tiến sĩ dâng đời
Bia ngời văn hiến, rùa tươi vẻ hùng.

09h30’ Đoàn di chuyển đến Chùa Trấn Quốc - nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần.

13h00’ Sau khi đã nạp đủ năng lượng, Đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền Gióng  nằm ở núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, là một quần thể di tích lịch sử gồm: đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và đặc biệt là bức tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng nguyên chất. Quần thể di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Lâu nay, TNS chỉ nghe đến truyền thuyết hay qua lời dạy của Thầy cô, nhân dịp này, mọi người có cơ hội đến thăm tượng đài Thánh Gióng mà đã học qua ở thời Tiểu học, ai nấy đều hào hứng vì được thấy tận mắt những tư liệu về sự kiện truyền thuyết trong lịch sử.

13h30’ cách đó không xa, di chuyển thêm 2km nữa Đoàn dừng chân ở Chùa Non Nước (tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền tự) - tọa lạc tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc ở độ cao hơn 110 m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú.

Theo sách Thiền Uyển Tập Anh và sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vị Thiền sư trụ trì chùa là Ngô Chân Lưu (933 – 1011) thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 4. Năm 971, Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại Sư. Đến cuối đời Lý, chùa có hai vị cao tăng trụ trì là Thiền sư Trường Nguyên (1110 – 1165) và Thiền sư Nguyện Học (? – 1181) thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10.

Đến thăm chùa Non Nước, chúng con được tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh và thanh tịnh, bao mệt mỏi của cuộc sống đời thường bỗng chốc tan biến. Tâm hồn như hòa vào cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.

14h00’ Đoàn đã di chuyển đến Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Xuống xe, TNS ai cũng háo hức khi được đặt chân đến Học viện. Thay mặt cho Đoàn, TT. Hiệu Trưởng và chư Tôn đức Ban Giám hiệu đã đảnh lễ, vấn an sức khỏe của HT. Viện Trưởng và Chư Tôn đức trong Ban Điều Hành. Đoàn rất vui và cảm kích tấm lòng mà HT. Viện trưởng đã dành cho Trường TCPH Bình Định cũng như Tăng Ni sinh tại Trường.

Đáp từ, Hòa Thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự, Viện Trưởng Học Viện cùng chư Tôn đức Ban Điều hành rất hoan hỷ khi Trường đã tổ chức hoạt động ý nghĩa nhằm giúp cho TNS có cơ hội học tập, giao lưu để mở rộng thêm kiến thức. Ngoài ra, Hòa Thượng Viện Trưởng chia sẻ về Lịch sử phát triền Phật Giáo miền Bắc, các hệ đào tạo tại Học viện cũng như việc sử dụng, áp dụng công nghệ vào giảng dạy.

Nhằm tạo thêm sự gắn kết, Tăng Ni sinh đã được giao lưu các môn thể thao như Bóng đá, Cầu lông, Bóng chuyền….Mặc dù, chỉ có 2 tiếng để giao lưu các bộ môn thể thao, nhưng không khí giao lưu giữa các đội rất sôi nổi, thắm đượm tình “linh sơn pháp lữ”. Xa mà cũng hóa gần, chính là nhờ vào tinh thần lục hòa, những hình ảnh, khoảnh khắc ấy chắc chắn sẽ là kỉ niệm đẹp để mọi người khắc ghi.

Từ muôn phương đi chung một con đường
Đến nơi đây dưới mái chùa yêu thương
Bạn và tôi chúng ta cùng chí hướng
Về cùng nhau đắp xây nên tình Tăng thân

Sau buổi giao lưu thể thao, 18h00’ Đoàn dùng bữa dược thực nhẹ cùng chư Tôn đức và quý thầy cô Tăng Ni sinh Học viện. 19h00’ là chương trình Giao lưu văn nghệ của Tăng Ni sinh Trường TCPH Bình Định và Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội. Để kỉ niệm cho chuyến ra thăm Học viện Hà Nội lần này, TNS Bổn trường đã gởi đến hội chúng những tiết mục như: Nhớ mùa thu Hà Nội, Việt Nam Phật Giáo sáng ngời hào quang,... và đặc biệt bản hoà tấu guitar Hello Việt Nam.

Sau chương trình văn nghệ, HT. Viện Trưởng đã có đôi lời nhắn nhủ đến Tăng Ni sinh:
“Ở đời có 4 cái nan: Sinh ra làm người là khó, đầy đủ sáu căn là khó, sinh ở nơi có văn hóa phát triển là khó và được gặp Phật Pháp xuất gia là khó. Ngày nay, chúng ta may mắn có đủ tất cả thì phải nỗ lực, siêng năng tu học. Để tìm cầu an lạc và giải thoát cho tự thân. Trong chuyến đi này, nhà Trường đã tạo nhiều thuận duyên cho Tăng Ni sinh có cơ hội trau dồi, học tập thì phải biết trân trọng nó, để  sau này những điều học được làm nền tảng cho mình hướng tới tương lai”.

22h30’ chia tay Học Viện Phật Giáo, chia tay Hà Nội, Đoàn lên xe và di chuyển về Yên Tử - Quảng Ninh. Dù ngoài trời đã đổ mưa, không khí lạnh dần nhưng lòng người, tấm chân tình của mọi người nơi đây thật ấm biết bao. Vượt khoảng 2 tiếng, qua các cung đường quanh co, khúc khuỷu buổi đêm, những cơn buồn ngủ kéo đến, mọi người dần chìm sâu vào giấc ngủ….

00h30’ có mặt tại chân núi Yên Tử, Đoàn làm thủ tục nhận phòng, chia theo các Hương như Hương Cau, Hường Nhài, Hương Bưởi, Hương Hồi…. Sau đó, lên xe điện để đi về các nơi nghỉ ngơi.

Kết thúc ngày thứ 3 với nhiều hoạt động ý nghĩa, di chuyển đến nhiều địa điểm và mỗi nơi đều để lại trong lòng TNS những ấn tượng khó phai.

Lòng người lại rộn ràng, đồi thiêng Yên Tử đang đợi chờ ý chí, dấu chân của Thầy và Trò trường TCPH Bình Định vào ngày mai.

Một vài hình ảnh tiêu biểu:


anh 1

anh 2

anh 3

anh 4

anh 5

anh 6

anh 7

anh 8

anh 9

anh 10


Nhấn vào đây để xem hình ảnh đầy đủ
 

Tác giả bài viết: Tin: NS Liên Lạc - Ảnh: Phùng Anh Quốc, Nhựt Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Videos
Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay390
  • Tháng hiện tại2,332
  • Tổng lượt truy cập782,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây