Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định - Tu Viện Nguyên Thiều
NGÀY THỨ 2 TRONG CHUYẾN ĐI HÀNH HƯƠNG – DÃ NGOẠI – CHIÊM BÁI CÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO MIỀN BẮC CỦA TRƯỜNG TCPH BÌNH ĐỊNH
Thứ năm - 30/03/2023 12:29
Nối tiếp chuyến hành trình chiêm bái những vùng đất lịch sử tại miền Bắc, sau một đêm được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, TNS đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thứ hai với những điều hay và mới lạ đang chờ ở phía trước.
06h30’ sau khi dùng điểm tâm sáng, Đoàn xuất phát từ Hà Nội. Địa điểm đầu tiên là chùa Thiên Trù (Chùa Hương). Chùa Hương nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km, là một quần thể chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Cả quần thể kiến trúc chùa Hương nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, gồm có chùa Ngoài, và chùa Trong.
Đến nơi, đoàn bắt đầu di chuyển xuống thuyền để đi vào chùa Hương. Ngồi trên con thuyền độc mộc nhỏ trôi theo dòng nước suối, ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa gạo nở trên những cành cây khẳng khiu đỏ rực cả một góc trời khiến cho không khí ở đây vốn linh thiêng lại thêm phần thơ mộng.
Xuống thuyền, đi bộ thêm 500m là đến chùa Ngoài, hay vẫn thường được gọi là chùa Trò. Chùa Ngoài có Tam quan được cất trên 3 khoảng sân vô cùng rộng lớn được lát gạch hoàn toàn, cùng với một tháp chuông 3 tầng mái được dựng ở sân thứ ba.
Sau đó, đoàn di chuyển lên cáp treo để đi qua động Hương Tích (Hương Tích động môn). Những đôi mắt bỡ ngỡ, hào hứng vì lần đầu được đi cáp treo, từ trên cao nhìn xuống mới thấy được quang cảnh thật thiêng liêng, hùng vĩ mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người tuyệt đẹp biết bao. Nếu chùa Ngoài được tạo dựng từ bàn tay con người thì chùa Trong lại có nguồn gốc từ một hang động cổ tự nhiên. Dẫn vào động là một lối đi lát đá dài có 120 bậc, đặc biệt là hình thù con rồng đang há miệng. Trên vách đá, dấu tích lịch sử vẫn còn được lưu lại qua năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” được chính Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc lên từ năm 1770.
Tại đây, đại chúng đã có một thời tụng kinh cầu an, ngồi thiền trong Động Hương Tích. Những năng lượng bình an, thiêng liêng khiến cho mọi người đều hoan hỷ.
13h30’ Đoàn di chuyển đến địa điểm thứ hai là Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Hà Nội khoảng 70km. Chùa Tam Chúc là nơi thờ các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… Ngoài ra, Đoàn còn ghé thăm Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm,…
14h30’ Đoàn tiếp tục di chuyển đến Chùa Cây Thị - Hà Nam do TT. Thích Huệ Hạnh trú trì. TT Trú trì đã thay mặt cho Phật tử dâng lời tác bạch cúng dường đến Chư Tôn Đức và Tăng Ni sinh. Đáp từ, TT. Hiệu Trưởng thay mặt cho Đoàn gởi lời vấn an sức khỏe, có lời tán thán đến hạnh nguyện phụng sự của TT. Trú trì, cảm niệm tấm lòng chư Phật tử khi đã dành thời gian đón tiếp Đoàn từ rất sớm. Đại chúng đã cùng nhau tụng một thời Kinh để cầu nguyện cho những Phật sự sắp tới của TT. Trú trì được thành tựu cũng như chúc cho quý Phật tử nơi đây luôn được an lành và hạnh phúc.
Chia tay Chùa Cây Thị, 15h30’ Đoàn đã có mặt tại Địa Tạng Phi Lai Tự (tên Nôm còn gọi là chùa Đùng). Chùa Địa Tạng Phi Lai cách Hà Nội khoảng 70 km, tựa lưng vào núi, tọa lạc tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam do TT. Thích Minh Quang trú trì và tu sửa lại vào năm 2015. Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, đoàn đã được chư Tăng tại Bổn tự đưa đi thăm quan toàn cảnh Chùa. Kiến trúc chùa rất đặc trưng với nhiều tiểu tiết hoa văn màu nâu trầm tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng, trầm mặc. Trước Tổ đường có 12 vòng tròn được vẽ trên nền cát sỏi, điều này tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người, những viên sỏi tượng trưng cho sự thiền định. Được đi trên các cung đường đặc biệt dành riêng cho chư Tăng để đến tham quan Bảo tháp Cổ có từ thời Lê vừa được tìm thấy, đảnh lễ Tam bảo tại chùa Trung, chùa Thượng, ghé thăm Phật Môn Cấm Địa (nơi an nghỉ của 42 vị Tổ sư),…
Buối tối, Đoàn đã tham dự phiên “Chợ Quê” với những món ăn vô cùng hấp dẫn do Phật tử nơi đây chuẩn bị. Những món ăn được sắp xếp đẹp mắt, đa dạng để mọi người cùng thưởng thức.
Có lẽ, để lại ấn tượng và dấu ấn nhiều nhất của chuyến đi ngày thứ 2 là đêm “Hoa đăng – Thả đèn trời cầu nguyện”. Đại chúng ngồi lại cùng nhau, không gian yên tĩnh hòa quyện với cảnh vật của núi rừng làm cho buổi lễ càng trở nên thiêng liêng thắm đượm tình “linh sơn pháp lữ”. Năng lượng an lành, tươi mát và thảnh thơi khiến ai nấy cũng đều hoan hỷ, hạnh phúc khi được trở về với chính mình, sống trong giây phút hiện tại với Tăng Đoàn.
TT. Thích Minh Quang – Trú trì Địa Tạng Phi Lai Tự đã có đôi lời nhắn nhủ, sách tấn đến Tăng Ni sinh phải luôn đặt cho mình bốn câu hỏi: 1.Ta đến nơi này là Nguyện lực hay Nghiệp lực? Nếu là Nguyện thì hãy phát nguyện ra, nếu phát nguyện vũ trụ sẽ gửi tới ta.Nếu là Nghiệp lực hãy vượt qua và đoạn trừ nó. 2. Ta đến đây là lựa chọn hay hoàn cảnh? Nếu là lựa chọn thì khổ đau đến mấy cũng là hạnh phúc.Nếu là hoàn cảnh thì cho dù có ngồi bát vàng cũng không cảm thấy hạnh phúc. 3. Người trẻ hãy xác định cho mình 3 điều Đã - Đang - Sẽ? Mình đi qua đã đủ chưa?Nếu đủ thì ta đang có ổn không?Nếu đã ổn thì ta biết mình sẽ về đâu? 4. Có ba chặng hành trình cho người trẻ: Hoài bão - Trải nghiệm - Trở về.
Mỗi người hãy phát nguyện, và nung nấu những hoài bão của mình. Tuổi trẻ chúng ta hãy cứ trải nghiệm để có những vấp ngã, bài học để trưởng thành. Khi đã có đủ sự trải nghiệm thì hãy trở về, cho mình một mốc thời gian để trở về 50,70 hay 75 miễn là phải có một cột mốc đề quay về chính bên trong của mình. Đường đi không quan trọng, quan trọng là hướng đi. Thành công của người tu là xác định được giai đoạn nào là hoài bão, trải nghiệm và cần phải trở về. Cốt lõi của việc tu học là để ta ngày càng dễ thương hơn, ai cũng có thể gần mình hơn, mình tươi cười với mọi người hơn, mình dễ chịu hơn, muôn loài chúng sanh đều gần gũi mình hơn, chứ không phải là sợ chúng ta”.
Giây phút lắng đọng, tràn ngập sự hoan hỷ ấy đã khiến cho mỗi Tăng Ni sinh nhận ra và trân quý những điều mà mình đang có, thực tập quay trở về, nỗ lực tinh tấn hơn trên con đường theo dấu chân của Đức Thế Tôn.
TT. Hiệu Trưởng đã thay mặt cho Đoàn gởi lời cảm niệm sâu sắc đến TT. Trú Trì và chư Tăng tại đây khi đã dành sự ưu ái cho Đoàn, không những vậy còn có có đôi lời chia sẻ sách tấn đến Tăng Ni sinh từ kinh nghiệm thực tế tu học mà Thượng Tọa đã trải qua.
Cuối buổi lễ, Đại chúng được thả đèn trời, Tăng Ni sinh ai nấy đều hoan hỷ cầm trên tay những chiếc đèn, nụ cười tươi tắn hạnh phúc trên môi vì lần đầu tiên được tham gia. Mỗi chiếc đèn thả lên là một ước nguyện, nguyện cho tất cả mọi người luôn được an vui, nguyện cho chúng con luôn vững vàng, tâm bồ-đề luôn kiên cố, nguyện cho tất cả TNS được đậu tốt nghiệp và Học viện… không khí ấy thật ấm áp, ý nghĩa biết bao.
“Nhẹ như mây đầu núi Thong dong đến rồi đi Hiểu cuộc đời ngắn ngủi Thương hóa thành từ bi”.
21h00’ Chia tay Địa Tạng Phi Lai Tự, Đoàn trở về lại Hà Nội để nghỉ ngơi. Kết thúc ngày thứ hai với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: được học hỏi, trải nghiệm và biết thêm nhiều ngôi chùa, danh lam tại Hà Nam khiến Tăng Ni sinh dù cuối ngày nhưng năng lượng vẫn còn rất nhiều. Để xua tan đi cơn buồn ngủ, những ca sĩ “không chuyên” đã gởi đến đại chúng những bài hát về Hà Nội để kỉ niệm cho chuyến đi ngày thứ hai đáng nhớ và ý nghĩa này. Nghỉ ngơi thôi, nạp năng lượng cho hành trình chiêm bái, khám phá ngày thứ ba nào!