“Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi dạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
(Tương Ưng Bộ Kinh, chương Tương Ưng Chư Thiên, phẩm Cây Lau; HT Minh Châu dịch)
- Những bài kinh mở đầu.
Suốt 45 năm thuyết pháp (hoặc 49 năm theo Hán tạng) đức Phật chưa hề dụng tâm rằng Ngài sẽ thuyết những chủ đề giáo lý nào cụ thể nào trong những giai đoạn thời gian rõ ràng nhất định, thay vào đó, tùy nhân duyên giáo hóa mà đức Phật thuyết pháp. Việc chia giáo lý đức Thế Tôn ra thành những bộ kinh rạch ròi như Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng…là công việc của chư vị trưởng lão trong các cuộc kiết tập kinh điển. Lý do mà chư Tăng đã phân chia các bộ kinh ra như thế cũng rất đặc biệt, ví dụ như kinh Trường Bộ là tập hợp những bản kinh dài, nhưng quan trọng nhất đó là nội những những bản kinh trong Trường Bộ hướng đến đối tượng là tầng lớp có học thức như các vị Bà la môn, các vị vua chúa, quan thần, các vị giáo chủ của các giáo phái khác…trọng tâm nội dung là việc đức Phật sửa lại tri kiến sai lầm của các vị “học giả” kia về các vấn đề thiên nhiên vũ trụ, xã hội con người…
Còn với kinh Trung bộ thì đối tượng được mở rộng, cả trí thức lẫn bình dân. Nếu Trường Bộ thiên về sửa lại tri kiến sai lầm thì Trung Bộ lại đi sâu vào pháp môn tu tập. Cho nên việc sắp xếp các bản kinh theo từng bộ là một dụng ý rất rõ ràng của các kỳ kiết tập, hoàn toàn không dựa vào thứ tự thời gian của từng bản kinh. Chẳng hạn như kinh Sa Môn Quả, tuy vị trí đứng thứ hai trong bộ đầu tiên là Trường Bộ nhưng bản kinh ấy được thuyết trong những năm tháng cuối cùng của đức Thế Tôn (năm Ngài 72 tuổi).
Tựa đề các bản kinh hầu hết hết cũng do chư vị trưởng lão đặt tên trong lúc kiết tập và những bản kinh đầu tiên là những bản kinh quan trọng nhất, sâu sắc nhất, cao siêu nhất và là đại diện cho toàn bộ nội dung của cả bộ kinh ấy.
Giáo pháp của đức Phật trong kinh điển Nikaya được chia ra thành hai mảng rất rõ ràng, đó là, (1) với những đối tượng là bình dân đức Phật dạy về việc làm phước để hưởng phước báo đời này và đời sau như việc bố thí, cúng dường, nhiệm vụ bổn phận của cha mẹ đối với con cái, vợ chồng đối xử với nhau, vua quan hành xử lẫn nhau…(2) với đối tượng là bậc tri thức, căn cơ cao, đức Phật dạy về những vấn đề cao tột như vô thường, khổ, vô ngã, ngũ uẩn, tứ đế, nhân duyên, Niết Bàn…
- Bài kinh Bộc Lưu
Bản kinh Bộc Lưu nằm ở vị trí đầu tiên của Tương Ưng Bộ cho nên sẽ là một đại diện trọn vẹn cho toàn bộ nội dung kinh Tương Ưng. Câu chuyện xảy ra giữa một vị Thiên tử xuống Kỳ Viên thưa hỏi pháp từ đức Thế Tôn diễn ra hết sức ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa một nội hàm vô cùng sâu sắc. Chú giải Athakatha của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) ghi rằng vị Thiên tử đã hỏi đức Phật đúng hai câu, đức Phật cũng chỉ trả lời hai câu ngắn thôi, ấy vậy mà vị Thiên tử chứng quả Tu đà hoàn. Vì sao vậy? Vì căn cơ vị Thiên tử rất cao, có thể hiểu tường tận ý nghĩa của đức Phật cho dù Phật chỉ nói vắn tắt. Vị Thiên tử kia đã có những hạnh Ba la mật sâu dày từ thời Phật Ca Diếp, bây giờ chỉ cần có nhân duyên khai mở là chứng đạo ngay.
- Một đêm của bậc Toàn Giác
Chư vị luận sư giải rằng, một đêm Ấn Độ chia làm ba canh. Canh một khoảng từ 6h tối đến 10h đêm, là thời gian đức Phật thuyết pháp cho các vị tỳ kheo ở phương xa về muộn. Canh hai từ 10h đêm đến 2h sáng, chư thiên xuống thỉnh pháp (nếu là Phạm thiên thì hay xuống sau chư thiên ở các tầng trời cõi Dục, Phạm thiên hay xuống cuối canh hai). Canh ba từ 2h sáng đến 6h sáng, trong khoảng bốn tiếng này thì hai tiếng đầu (2h-4h) đức Phật nghỉ ngơi. Thực chất ra là đức Phật ngủ nhưng với một bậc Đại Giác thì giấc ngủ không mộng mị, không xoay trở mình, không bị gò bó trong các điều kiện không gian, có lúc Ngài nằm hoặc ngồi thiền định trong tư thế kiết già, “giấc ngủ” luôn luôn tỉnh thức; còn khi nhắc đến thuật ngữ “ngủ” thì tương đương với“ vô minh”, đức Phật thì không còn vô minh, cho nên kết hợp cả hai ý nghĩa trên, rất nhiều bản luận chỉ ghi là bậc Toàn Giác mỗi đêm có hai tiếng để nghỉ ngơi.
Phần hai tiếng còn lại của canh ba (4h-6h) đức Phật quán chiếu chúng sanh hữu duyên Ngài sẽ độ trong ngày.
Và khoảng tầm từ 6h sáng trở đi Ngài và chư tăng đi khất thực giáo hóa.
Như nhân duyên đức Phật cảm hóa Ngài Vô Não (Angulimala) cũng bắt đầu từ việc Ngài quán chiếu chúng sanh để độ vào cuối canh ba. Kinh ghi rằng vào cuối canh chót đêm ấy, đức Thế Tôn đã nhập đại bi định, xuống cận hành định, hình ảnh của Ngài Vô Não đã tự nhiên hiện lên trong định của đức Thế Tôn, Ngài biết rằng nhân duyên chứng đạo của Ngài Vô Não chỉ đến trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như một tia sáng lóe lên rồi vụt tắt, sớm hơn cũng không được mà chậm hơn thì Ngài Vô Não sẽ phạm tội giết mẹ, một trong ngũ nghịch tội, phạm ngũ nghịch thì càng không thể chứng đạo. Và ngày hôm đó, bên cánh rừng Jalini, đức Phật đã xuất hiện đúng thời và hóa độ Ngài Vô Não chỉ bằng hai câu pháp ngắn ngủi để đưa Ngài Vô Não từ một kẻ giết người máu lạnh trở thành một bậc A la hán khả kính.
Trở lại với bài kinh Bộc Lưu, thời điểm mà vị Thiên tử đáp xuống tinh xá Kỳ Viên với nhan sắc chói sáng là vào khi “đêm đã gần tàn”. Trong chú giải cụ thể của bản kinh này thì Ngài Phật Âm không nhắc lại chính xác đó là lúc nào nhưng rất nhiều những lần chú giải khác thì Ngài thường hay nói “đêm đã gần tàn” là cuối canh hai, tức là khoảng độ từ sau nửa đêm đến 2h sáng.
- Đi về đâu khi không được “dừng lại” và cũng không được phép “bước tới”?
Chú giải ghi rằng vị Thiên tử kia là một người đã vun bồi các pháp Ba la mật rất sâu dày từ thơi đức Phật Ca Diếp và cũng rất gần với sự chứng ngộ. Tuy nhiên đây là một vị Thiên tử rất ngã mạn. Câu hỏi mà vị trời này đến thỉnh vấn đức Phật “làm thế nào để Ngài thoát khỏi bộc lưu (dòng sinh tử)?” vừa để thỉnh cầu giáo pháp nhưng cũng vừa muốn chứng tỏ cho đức Phật thấy rằng mình là một người rất am tường giáo lý. Đức Phật cũng trả lời rất ngắn gọn rằng “Ta không dừng lại, Ta không bước tới”. Vị Thiên tử rõ ràng không thể hiểu được đức Thế Tôn đang nói về cái gì, rõ ràng với một người đang đứng trên một dòng nước chảy xiết thì buộc phải chấp nhận dừng lại hoặc buộc phải chấp nhận dịch chuyển, nhưng sao đức Thế Tôn lại nói như thế?
Vị Thiên tử thưa tiếp:
“-- Làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi dạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu”.
Đức Phật chỉ trả lời vậy thôi mà vị Thiên tử kia chứng quả Tu đà hoàn. Sau khi chứng quả xong, Thiên tử tán thán đức Thế Tôn rồi biến mất tại nơi ấy.
Căn cơ của vị Thiên tử này rất cao nên hiểu ngay được lời Phật dù Phật nói vắn tắt, vì hiểu ngay lời Phật nên chứng đạo rất nhanh. Ngày hôm nay chúng ta tiếp xúc với kinh Phật, dù được quý Thầy chia chẻ phân tích vô cùng chi li để mình có thể hiểu đúng được giáo pháp, ấy vậy mà mình vẫn không thể hiểu được nên con đường phía trước còn xa vời mịt mù lắm.
Chú giải Athakatha của Ngài Phật Âm đã liệt kê ra bảy cặp giáo lý về câu kinh “đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt”.
- Phiền não là trôi dạt – pháp hành là chìm xuống.
- Tham ái và tà kiến là trôi dạt – sân, si, mạn, nghi, hôn trầm, thụy miên, vô tàm, vô quý là chìm xuống.
- Thường kiến là trôi dạt – đoạn kiến là chìm xuống.
- Thụ động, tiêu cực là trôi dạt – tăng động, mất kiềm chế là chìm xuống.
- Hôn trầm, thụy miên là trôi dạt – trạo cử là chìm xuống.
- Dục lạc là trôi dạt – khổ hạnh là chìm xuống.
- Ác pháp là trôi dạt – thiện hữu lậu (thiện hiệp thế) là chìm xuống.
Đức Phật là người đã vượt thoát bộc lưu nghĩa là Ngài đã lìa khỏi tất cả những cố chấp biên kiến nhị nguyên như trên. Vị Thiên tử đã lãnh hội được trọn vẹn lời Phật và đã được giác ngộ. Ngài Phật Âm còn chú giải chi tiết bảy cặp giáo lý ở trên rất chi li để giúp cho người đời sau hiểu được cặn kẽ. Nội dung bài kinh này cũng đại diện cho toàn bộ kinh Tương Ưng. Theo Ngài Phật Âm, đỉnh cao của bài kinh nằm ở việc xem “Thiện hữu lậu” là một pháp khiến mình chấp vào nó thi sẽ bị chìm xuống. Có nghĩa là những pháp thiện mang lại phước báo tốt đẹp ở cõi trời cõi người, nếu cố chấp vào đó cũng sẽ làm mình không thể nào vượt thoát bộc lưu.
Trong Ngũ lực, Tín - Tấn – Niệm – Định – Tuệ, thì Tín và Tuệ phải luôn luôn được cân bằng và song hành cùng nhau. Nếu Tín mạnh mà Tuệ yếu thì niềm tin ấy dễ rơi vào mù quáng, nếu Tuệ mạnh mà Tín yếu thì dễ trở thành xảo nhân. Mặt khác, nếu không có Tuệ thì Tín cũng không có mặt (Tín đúng nghĩa chứ không phải Tín cục bộ mù quáng). Nói một cách đơn giản hơn, có hiểu đúng thì mới có tin đúng. Đôi khi vì những bản kinh đức Phật thuyết quá vắn tắt đã làm cho chúng ta thấy rất phi lý, khó hiểu, bị mâu thuẫn, lạ lẫm…chính vì những điều này mà mình vội quy kết “kinh điển ngụy tạo”. Chẳng hạn như đối với một người thông thường, làm sao khi đứng trên một dòng nước chảy xiết mà lại có chuyện không dừng lại mà cũng không bước tới? Rõ ràng không hợp với tư duy thông thường rồi và từ đó có thể cho là kinh ngụy tạo. Nhưng với Chú Giải thì chúng ta đã thấy được nội hàm vô cùng cao sâu, bao quát toàn bộ giáo lý, quá hay, quá màu nhiệm. Cũng vậy, nếu bằng tư duy thông thường sẽ rất khó để hiểu và chấp nhận những nội dung trong kinh Bát Nhã, Kim Cang, Di Đà hay toàn bộ kinh Đại Thừa, và từ việc không hiểu nên không tin rồi cho là “ngụy tạo” cũng là chuyện thường tình.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://phathocviennguyenthieu.vn là vi phạm bản quyền