Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ cách đây một tuần lễ, tại Trung tâm thiền Nữ giới quốc tế (tỉnh Rayong, Thái Lan), đã diễn ra Lễ trao giải OWBA lần thứ 17 do Hiệp hội Tỳ kheo Ni Phật giáo thế giới phối hợp với một số tổ chức khác chủ trì.
Trong số 21 vị ni các nước được trao giải thưởng, có đến 10 quý ni đến từ Việt Nam. Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ, một nữ tu sĩ Phật giáo dấn thân, vốn xuất thân từ giáo viên THPT Nga văn; vị ni thứ hai, Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa, chính bậc Chư tôn đức ni đạo cao đức trọng ở quê hương Bạc Liêu.
Sư cô Hương Nhũ dấn thân trong các hoạt động xã hội, với giới trẻ, tiên phong trong hoằng pháp hiệu quả do sở trường học thuật và khả năng truyền cảm hứng cùng quan hệ rộng ngay cả với các tôn giáo khác, một diễn giả có uy tín; Ni sư Diệu Nghĩa tuổi đời tuổi đạo đều cao, một đời dấn thân phụng sự Phật pháp và xã hội ở vùng đất xa xôi bộn bề gian khó, thiếu thốn, một vùng đất được ưu tiên do đặc thù ngay cả trong công tác tuyển sinh của ngành giáo dục đào tạo, ngang ngang vùng núi, hải đảo!
NS Diệu Nghĩa trụ trì chùa Bạch Liêu tọa lạc ở nội ô Tp.Bạc Liêu, trên đường Hòa Bình - một ngôi già lam thành lập từ những năm 1950, được Sư cô Diệu Hữu trông coi, lãnh đạo đầu tiên. Bậc ni khai sơn tạo tự ấy để lại dấu ấn rõ nét trong phong trào Phật giáo chống độc tài những năm 1960, ở đất Bạc Liêu với sự ủy thác của lãnh đạo Phật giáo miền Nam khi ấy.
Ni sư Diệu Nghĩa đã có hơn 40 năm xuất gia hành đạo, chẳng những duy trì tôn nghiêm Tam bảo ở chùa Bạch Liên mà còn đào tạo giáo dục nhiều vị ni có tâm có tài cho Phật giáo tỉnh nhà. Tôi không chỉ một lần được nghe quý ni trú trì các nơi nhắc đến vị thầy của mình với sự kính trọng đặc biệt, trong lời kể về kỷ niệm và những thọ đắc giáo huấn của ân sư, ví như Sư cô Thích nữ Nghĩa Hòa ở chùa Hổ Phù (Phong Thạnh A – Thị xã Giá Rai), hai câu thì dường như có một câu nhắc đến ni sư "Thầy tôi đó!".
Sư cô Diệu Nghĩa còn đóng góp cho Giáo hội trong vị trí tiếng nói ni giới trong cơ chế trị sự tỉnh nhà và điều ấy quan yếu trong bối cảnh bất bình đẳng giới không chỉ có ngoài xã hội. Hình ảnh ni sư xuất hiện dày trong tư liệu sự kiện phật sự địa phương. Nhưng với tôi, Ni sư Diệu Nghĩa hoằng pháp phục vụ chúng sinh cách thiết thực nhất chính ở sự dấn thân trong công tác xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo, ở nơi mà cái đói nghèo và bạo hành, thất học... cần được xoa dịu, đỡ nâng trước khi nói đến pháp và bản thân việc ấy đã là pháp. Đóng góp của sư cô trong công tác này là rõ ràng, dễ thấy.
Cho nên, dù có bất ngờ với một giải thưởng uy tín mang tính quốc tế, song sự xứng đáng được xác nhận trong thực tế hành đạo độ đời của một bậc ni dấn thân theo đúng nguyên tắc nhân văn của đức Chí Tôn: "Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật!"
|
Nguồn ảnh: giacngo.vn |
Ngày nay Bạch Liên tự do Ni sư Diệu Nghĩa trú trì, đồng thời đặt văn phòng ni giới tỉnh Bạc Liêu đã là ngôi chùa lớn, một đại tự không thuần theo nghĩa đen. Nơi ấy xuất phát nhiều hoạt động phật sự quan trọng, chốn tu học trang nghiêm thanh tịnh.
Một tuần sau khi bên Thái Lan trao giải, tôi gọi điện xin ni sư một cuộc hẹn để có trải nghiệm thực tế viết bài, nội dung trả lời khiến tôi được xác tín: một lịch làm việc dày đặc - trao quà cho người nghèo, phát học bổng, dự sự kiện phật sự... từ Đồng Nai đến Cà Mau!
Sự ghi nhận của Hiệp hội Tỳ kheo ni Phật giáo thế giới gieo niềm tự hào chính đáng cho Ni giới Việt Nam và Phật giáo, cùng người dân quê hương Cà Mau, nơi cần nhiều hơn nữa những người nữ dấn thân phụng sự đạo và đời cho sự giác ngộ, phát triển công bằng và thịnh vượng, cho bình đẳng giới, nữ quyền.
Niềm tự hào đầu năm Mậu Tuất, sẻ chia.