DIỄN VĂN KHAI MẠC CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NGUYÊN CHƠN
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CƠ BẢN PHẬT HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH
Đọc trong Lễ Khai Giảng Khóa II (1996 – 2000)
Ngày 17 tháng 10 năm 1996
*****************************************
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch ……………………………………………………………
Kính thưa ……………………………………………………………
Kính thưa quý vị,
Trong khung cảnh trang nghiêm và phấn khởi của buổi lễ Khai giảng hôm nay, Tôi xin thay mặt Ban Giám Hiệu và toàn thể Tăng Ni Sinh Trường CBPH Tỉnh Bình Định thành kính đảnh lễ Chư Tôn Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVN, Kính gởi đến quý vị Khách quí, Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và toàn thể Phật Tử xa gần lời chào mừng quí kính nồng nhiệt nhất.
Thật là một vinh dự và hân hạnh được đón tiếp quí vị về tham dự lễ Khai Giảng khóa II (1996-2000) và Lễ Phát Phần thưởng cấp Văn bằng tốt nghiệp khóa I (1992-1996) hôm nay trong một không khí hết sức vui mừng và phấn khởi, sự hiện diện của quí vị nói lên sự nhiệt tình ưu ái, thắm thiết tình cảm, tròn đầy đạo vị trong sự nghiệp Giáo Dục Đào tạo Tăng Tài tại Trường Cơ Bản Phật Học Tỉnh nhà chúng tôi.
Kính thưa quí vị,
Phật giáo đã được truyền bá trên 2.500 năm, Từ khi Đức Phật Thích Ca chứng đạo dưới gốc cây Bồ Đề, Ngài là một vĩ nhân, hiện thân của Từ Bi, Trí Tuệ và giải thoát, sự ra đời của Ngài đã làm thay đổi Thế giới bằng nhân cách vĩ đại, bằng sự Giác ngộ chân lý của mọi sự vật, với giáo pháp của Ngài đã giáo hóa vô số người đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và giải thoát, đó là những vị A La Hán đệ tử của Ngài, những Tổ sư lỗi lạc, những Thiền sư xuất chúng đã tỏa ánh hào quang trí tuệ, làm lợi lạc quần sanh, gieo rắc Chánh pháp vi diệu lan truyền khắp phương Đông rồi sang phương Tây. Phương Đông là mảnh đất tốt phát triển Phật Giáo khắp nơi như Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Thái Lan, v.v… và hiện nay Phật Giáo được chú ý và gây thiện cảm rộng rãi khắp nơi ở Phương Tây, những Triết gia, học giả, những nhà Tri thức, Giáo sư Thạc sĩ phương Tây đã kính phục trước Giáo lý của Đức Phật, vì họ cho rằng Phật Giáo là tôn giáo có nền tảng giáo lý rõ ràng, tiến bộ, thực tiễn, rất hữu lý, hợp với khoa học, đúng với chân lý, họ đã đón nhận một luồng sinh khí mới đầy niềm tin và trí tuệ, họ thực sự tu học và sống an lạc trong ánh sáng Chánh pháp của Phật. Phật Giáo đã thực sự phát triển thuận lợi mạnh mẽ ở Phương Tây, giáo lý Phật hết sức thù thắng, thích ứng với mọi quốc gia, với mọi dân tộc, bằng trí tuệ, bằng niềm tin, bằng thanh tịnh và giải thoát.
Phật giáo Việt Nam, suốt hơn 2000 năm Lịch sử cũng đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ miên viễn từ các vị Tổ sư Ấn Độ, Trung Hoa cho đến Việt Nam, trong lĩnh vực giáo dục của Phật Giáo từ xưa đến nay đã cống hiến những Tăng Tài là những Thiền sư lỗi lạc và xuất chúng, Siêu phàm nhập thánh, đã làm rạng rỡ cho đạo Pháp, cho nước nhà, cho nhân quần xã hội, đó là Trần Nhân Tôn, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vạn Hạnh Thiền Sư, Khuông Việt Thiền Sư, và biết bao nhiêu Thiền sư khác đã làm cho nền Văn hóa dân tộc Việt Nam khởi sắc và phong phú bằng những tư tưởng, những áng văn tuyệt tác, ý nghĩa cao siêu huyền diệu, những nhà Phật tử chân chánh, nổi danh như Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, v.v… và những nhà chính trị, nhà thơ, nhà khoa học Phật tử như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v…. đó là những bậc tiền nhân của dân tộc ta đã sống thời đại mình bằng đời sống Phật giáo, họ thấm nhuần Giáo lý nhà Phật, nhờ Phật giáo mà sống an lạc hạnh phúc, đem an lạc và hạnh phúc đến cho moi người. Với tác phong, kiến thức và đức tính cao đẹp của các Thiền sư đã giáo dục chuyển hóa biết bao tâm hồn trở về với bản tính hiền lành. Đó là sự đóng góp của Phật giáo âm thầm lặng lẽ đi sâu vào lòng người trong lĩnh vực giáo dục, con người bỏ ác làm lành, xóa bỏ những tệ đoan xã hội, nâng cao trình độ dân trí và phẩm chất con người.
Kính thưa quý vị,
Giáo dục luôn là một vấn đề quan trọng và cấp thiết cho nền văn minh nhân loại. Loài người đang phát triển về mọi mặt như vũ bão, và cũng đang đứng trước những thách thức lớn của sự phát triển, trong đó có sự thách thức lớn của sự nghiệp phát triển văn hóa đạo đức và giáo dục đạo đức, và nhân loại đang đối diện một cuộc khủng hoảng lớn, bắt nguồn từ cuộc sống đầy dục vọng, từ đó sinh ra vấn đề chiến tranh, sự hủy diệt và ô nhiễm môi sinh, suy thoái đạo đức, và đang đe dọa phá vỡ văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, sinh ra các căn bệnh thời đại v.v…
Đứng trước những nguy cơ đó, tất cả các quốc gia và các tổ chức thiện nguyện trên Thế giới đã đóng góp cho sự hướng thiện, mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, hòa bình và an lạc cho toàn thể nhân loại. Và nền Giáo Dục Phật Giáo âm thầm, lặng lẽ và đột biến tỏa sáng, xây dựng sự nghiệp giáo dục bằng Tam Vô Lậu học: Giới-Đinh-Tuệ. Mục tiêu tối hậu là Tuệ, nền tảng vững chắc là Giới và Định. Giáo dục Phật Giáo chú trọng 3 lĩnh vực này rèn luyện để hoàn thiện con người, trong 3 điều này không thể thiếu một được, nó phải được thắp sáng, nuôi dưỡng và rèn luyện liên tục để chuyển hóa trở thành những Tăng tài, những Thiền sư xuất chúng cống hiến cho đời, lợi lạc quần sanh. Trên lộ trình “Lấy Trí tuệ làm sự nghiệp” Đức Phật đã gởi đến cho nhân loại một thông điệp Dũng mãnh tinh tiến, về sự chiến đấu liên tục của con người, một cuộc chiến đấu vĩ đại và toàn diện, với chiều sâu của tâm thức, chiều rộng của không gian vũ trụ, chiều dài của thời gian trăm ngàn kiếp sống liên tục của giòng sinh mệnh tiến đến Phật quả.
Cuộc chiến đấu của người học Phật là cuộc chiến đấu với chính mình. Đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Thực vậy, chiến thắng giải phóng nô lệ và áp bức từ bên ngoài còn dễ hơn là chiến thắng giải phóng bản năng tham sân si của chính mỗi người, chiến thắng thói hư tật xấu, chiến thắng tham dục vô minh phiền não, thật vô cùng khó, những người học Phật phải hoàn thành cuộc cách mạng nội tâm của mình, chuyển thức thành trí, thăng hoa tâm thức để Phật tánh hiển lộ, thắp sáng hiện hữu, tỉnh thức và giác ngộ. Đó là cuộc cách mạng nội tâm, cuộc cách mạng sâu sắc nhất và quan trọng nhất của mỗi người học Phật chúng ta. Đó là hành trình của sự nghiệp trí tuệ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành tựu vinh quang dưới cội cây Bồ Đề.
Kính thưa quý vị,
Trong sự nghiệp Giáo Dục Phật Giáo hiện tại của đất nước ta, còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù các trường CBPH trong toàn quốc được mở ra khá nhiều nhưng tất cả đều ở qui mô nhỏ, thiếu phương tiện, thiếu phòng ốc, thiếu khả năng đảm bảo đời sống cho Tăng Ni Sinh, chỉ là tạm thời để từng bước ổn định à phát triển. Để đóng góp vào sự nghiệp Giáo Dục Phật Giáo chung cho cả nước trong lĩnh vực đào tạo Tăng Tài, Trường CBPH tỉnh Bình Định được Khai giảng khóa I vào đầu mùa thu năm 1992. Sau 17 năm gián đoạn việc đào tạo Tăng tài tại Tỉnh nhà mà các Phật học Viện tiền thân Tu Viện Nguyên Thiều và Thập Tháp đã nổi tiếng là Tòng Lâm Thạch Trụ. Trong khóa I số Tăng Ni Sinh xin theo học là 139 vị, có đủ trình độ từ lớp 9 đến tốt nghiệp cấp 3. Trong bước đầu nhà trường gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt, phải làm sao giải quyết cho số lượng 139 Tăng Ni Sinh nội trú và bảo đảm ăn uống, sinh hoạt đời sống, và giáo dục cho Tăng Ni Sinh, để Tăng Ni Sinh có đủ điều kiện an tâm tu học, vì nhận thấy rằng: Tăng Ni Sinh có nội trú mới quản lý sống đúng theo nội quy và kỷ luật nhà trường và thường xuyên nhắc nhở giáo dục Tăng Ni Sinh trau dồi đức hạnh và tinh tấn học tập mới đạt hiệu quả. Trước nhu cầu cấp thiết đó Chư Tôn Đức và Phật tử trong nước và ngoài nước đã nhiệt tình hỗ trợ xây dựng thêm Cư Xá Ni và Phòng Tăng để đảm bảo việc nội trú và giải quyết đời sống cho Tăng Ni Sinh được ổn định, bên cạnh đó để Tăng Ni Sinh trau dồi thêm kiến thức, tham khảo nghiên cứu thêm tư liệu Kinh sách để học hỏi, nhà trường đã đầu tư Phòng đọc sách và một tủ thuốc để chăm sóc sức khỏe của Tăng Ni Sinh phòng khi đau yếu.
Về lĩnh vực giáo dục, nhà trường đã giảng dạy hai chương trình Nội điển và Ngoại điển song song nhau. Chương trình Nội điển giảng dạy hệ 4 năm của Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương soạn thảo do Chư Tôn Đức trong ban Giảng Huấn phụ trách, và chương trình Ngoại điển dạy theo hệ Bổ túc Văn hóa được sự giúp đỡ của Sở Giáo Dục Đào Tạo Tỉnh giao cho Trường Phổ Thông An Nhơn I phụ trách.
Trải qua 2 kỳ thi Bổ túc văn hóa: Niên khóa 1992-1993 có 32 Tăng Ni Sinh theo học lớp 9, kết quả thi Tốt nghiệp cuối năm đậu hết 32 Tăng Ni Sinh. 3 năm sau niên khóa 1995-1996 có 39 Tăng Ni Sinh theo học lớp 12 cuối năm thi tốt nghiệp kết quả đậu 24 Tăng Ni Sinh. Về Nội điển, sau 4 năm hoàn tất chương trình Giáo dục, có 139 Tăng Ni Sinh theo học thi Tốt nghiệp kết quả có 131 Tăng Ni Sinh đậu Tốt nghiệp. Đó là thành quả giáo dục của trường CBPH tỉnh Bình Định 4 năm qua.
Để tiếp tục sự nghiệp Giáo Dục Đào Tạo Tăng Tài, Trường CBPH Bình Định đã chiêu sinh khóa II (1996-2000) số lượng Tăng Ni Sinh xin theo học là 193 vị, trong đó nội tỉnh chỉ có 81 Tăng Ni Sinh, ngoại tỉnh có 112 Tăng Ni Sinh, các Tăng Ni Sinh ngoại Tỉnh như Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau đều vân tập về đây để tham học Phật pháp, trau dồi trí tuệ, trông mong ngày mai sẽ là rường cột cho Phật pháp, là Như Lai sứ giả, hoằng hóa độ sanh, phục vụ đạo pháp và dân tộc.
Kính thưa quý vị,
Đến đây chúng tôi xin có đôi lời với các Tăng Ni Sinh,
Cùng các Tăng Ni Sinh khóa I thân mến.
Hôm nay là ngày Lễ mãn khóa của các vị, ngày phát phần thưởng cho những Tăng Ni Sinh ưu tú và phát văn bằng tốt nghiệp cho Tăng Ni Sinh khóa I, Thầy hết sức vui mừng là đã chu toàn trách nhiệm của mình đối với Tăng Ni Sinh khóa I, Thầy tán dương khen ngợi các Tăng Ni Sinh được phần thưởng và các Tăng Ni Sinh khác đã gặt hái được khả quan trong học vấn và trong kỳ thi Tốt nghiệp của khóa I. Các Tăng Ni Sinh nhận phần thưởng phải hiểu rằng: Phần thưởng được kết thành bằng Tâm Lực, Tài Lực, Bi Lực và Trí Lực của Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật tử với lòng thương tưởng, Từ Bi bao la, khuyến khích, động viên Tăng Ni Sinh tiếp tục cố gắng dũng tiến nhiều hơn nữa trên con đường giải thoát.
Với 4 năm theo học dưới mái trường thân yêu này, các Tăng Ni Sinh đã trưởng thành từ thể chất đến trí tuệ, được quý Thầy đã tận tình giáo dưỡng, những gì các Tăng Ni Sinh học được trong 4 năm chỉ là rất ít so với biển học mênh mông vi diệu của Phật Pháp, nhưng đó là phần căn bản các Tăng Ni Sinh hiểu được rằng: Mục đích cao cả nhất của người xuất gia là đem lại chất liệu hương thơm của trí tuệ, của an lạc và giải thoát thắm đượm vào cơ thể và tâm hồn mình, nhờ vậy mà mình có khả năng độ mình, độ người, hy vọng rằng các Tăng Ni Sinh có thể giúp cho những người đến với mình, giải thoát những hố sâu phiền muộn, của khổ đau, và xứng đáng là vị Thầy có khả năng đưa người ra khỏi nẻo khổ đau tăm tối, bằng trí tuệ và đức độ của mình. Kiến thức mà các Tăng Ni Sinh học hỏi được ở trường tức là kiến thức Phật học, sự giác ngộ thực tưởng của mọi sự vật không phải là kiến thức mà phải là sự chuyển hóa do kết quả công phu tu tập và quán chiếu, giải phóng dần những vô minh phiền nào, những ngu si khổ đau, để ta dần dần đạt được sự tự tại thảnh thơi và an lạc. Dù cho các Tăng Ni Sinh học cao hơn nữa, sự thành đạt ở bằng cấp và tài năng nhiều hơn nữa thì nếp sống đạo hạnh này rất cần thiết để hoàn thành được nhân cách Như Lai Sứ Giả, tiếp nối mạng mạch của Như Lai, thắp sáng Chánh pháp miên viễn cho đời, làm lợi lạc quần sanh.
Cùng các Tăng Ni Sinh khóa II thân mến,
Hôm nay là ngày khai giảng khóa II, các chú, các cô là những Tăng Ni Sinh bắt đầu bước chân vào Trường CBPH tức là nền tảng đầu tiên trên con đường học Phật, là người mới học đạo, cho nên việc tước tiên là phải phát tâm lập nguyện, phát tâm cho rộng lớn, lập nguyện cho vững chắc, phát tâm rộng lớn là phát Bồ Đề Tâm, trên mong cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh vì Bồ Đề Tâm là một thứ năng lượng rất mạnh, nó thúc đẩy ta vượt thắng tất cả mọi khó khăn, đầy đủ nghị lực, dõng mãnh tinh tiến cất bước vững chắc trên đường tu và học, đốt sáng ngọn đèn trí tuệ, rèn luyện những đức tính tốt, mở rộng từ bi, thương yêu và hòa hợp nhau, luôn luôn tôn trọng nội qui và kỷ luật nhà trường, hãy cố gắng học tập, đừng để thì giờ đi qua một cách vô ích, hãy lắng nghe, suy nghĩ và tu tập những lời dạy của các bậc Thầy truyền đạt mạch nguồn trí tuệ giác ngộ qua kinh điển và kinh nghiệm bản thân, các chú, các cô phải luôn luôn ý thức rằng: “Người xuất gia là muốn vươn tới phương trời cao rộng… tiếp nối một cách rạng rỡ giòng giống Thánh… phải kỳ vọng muốn mình trở thành rường cột của Phật pháp … làm gương mẫu cho kẻ đi sau”.
Hôm nay, tất cả chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, quí vị Khách quý, quý Phật tử xa gần đã đến tham dự lễ khai giảng là vì các chú, các cô, thế hệ mầm non, tương lai của Phật Pháp. Với tất cả Tâm Lực, Trí Lực và tình thương bao la của chư vị Tôn Túc, của quý Phật tử rất kỳ vọng ở các chú, các cô trong tương lai là Tăng Tài của Phật Pháp, là Như Lai Sứ Giả, tiếp nối mạng mạch của Phật Pháp, do đó để khỏi phụ lòng tin tưởng trông mong của tất cả bắt đầu hôm nay, với tuổi trẻ, các chú, các cô phải cố gắng rèn luyện trí tuệ, nỗ lực phấn đấu không ngừng trên đường tu học để đền đáp 4 ơn, làm rạng rỡ cho Phật Pháp.
Đó là những lời tâm huyết hết sức thiết tha của chúng tôi xin nhắn nhủ mong các Chú, các Cô xem xét lưu tâm.
Kính thưa quý vị,
Sự thành tựu viên mãn khóa I (1992-1996) của Trường CBPH tỉnh Bình Định trong 4 năm qua là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, góp phần công đức của toàn thể Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni và Phật tử trong nước, ngoài nước và sự giúp đỡ của Chính quyền các cấp, sự tận tâm giảng dạy của quý vị Giảng viên Phật học và Văn hóa. Trong khóa II (1996-2000) số lượng Tăng Ni Sinh tăng lên gần 200 vị, để đáp ứng nhu cầu hiếu học của Tăng Ni Sinh được đủ điều kiện an tâm tu học, trong một trách nhiệm chung thiêng liêng và cao cả là phục vụ Giáo Dục Đào Tạo Tăng Tài, thế hệ mầm non, tương lai của Đạo Pháp, chúng tôi xin mạn phép kêu gọi và rất mong sự hỗ trợ nhiệt tình của Chư tôn Đức và quý Phật tử trong nước, ngoài nước nhiều hơn nữa để lo việc ăn uống cho Tăng Ni Sinh khóa II. Đó là một gánh nặng của bản trường cũng như Bổn sư và gia đình của Tăng Ni Sinh.
Nhân đây, chúng tôi xin thay mặt Ban Giám Hiệu và toàn thể Tăng Ni Sinh Trường CBPH tỉnh Bình Định xin:
- Thành kính tri ân Chư Tôn Đức trong Hội đồng Trị sự Trung Ương GHPGVN, Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương GHPGVN, Văn phòng II Trung Ương GHPGVN, Chư Tôn Đức và Phật tử tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Thành kính tri ân sự quan tâm giúp đỡ của UBND Tỉnh, Ban Tôn Giáo Tỉnh, Ủy ban mặt trận TQVN Tỉnh, Sở Công an Tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo Tỉnh, Trường Phổ thông An Nhơn I và các cấp chính quyền Huyện, Xã.
- Thành kính tri ân Chư Tôn Đức trong Ban Trị sự Tỉnh, Ban Bảo trợ Trường CBPH Tỉnh và Hải ngoại, Ban Giảng huấn Phật học, Các Ban đại diện Huyện, thành phố Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Tỉnh, GĐPT Tỉnh cùng Phật tử xa gần trong Tỉnh.
- Thành kính tri ân Chư Tôn Đức trong Ban Trị sự các Tỉnh bạn, Ban Giám Hiệu các Trường CBPH các Tỉnh bạn, các Phái Đoàn, các Đại Biểu quan khách.
- Thành kính tri ân Chư vị Tôn Túc khai sáng và xây dựng Tu Viện Nguyên Thiều.
Sự hiện diện của toàn thể quý vị hôm nay là một tình cảm cao quý vì sự nghiệp Giáo dục Đào tạo Tăng Tài, một nhiệm vụ thiêng liêng và cao trọng, vì tình đạo thắm thiết, chúng tôi hết sức quý kính và cảm kích sâu xa, vì đó là một khích lệ lớn cho Ban Giám Hiệu chúng tôi trên bước đường phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc.
Với niềm hân hoan và tin tưởng cho ngày mai, xin thành tâm Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ Chư Tôn Đức, Pháp thể Khinh an, Tuệ đăng thường chiếu, Phật sự Viên thành, kính chúc toàn thể quý vị Đại Biểu, Quan khách và quý Phật tử xa gần sức khỏe và an lành.
Trân trọng kính chào quý vị.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://phathocviennguyenthieu.vn là vi phạm bản quyền