Dấu Xưa

Chủ nhật - 02/12/2018 00:18
Thời gian trôi nhanh thật!Thắm thoát đã 25 năm (1992-2017).          Năm 1992, đầu tiên trường thành lập là trường Cơ bản Phật học Bình Định, nay là trường Trung cấp Phật học Bình Định tại Tu viện mang tên Tổ sư Nguyên Thiều, khai sơn Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, Tổ đình Quốc Ân, Tổ đình Hà Trung ở Thừa Thiên Huế giữa thế kỷ 17.
Dấu Xưa
DẤU XƯA
Thời gian trôi nhanh thật!
Thắm thoát đã 25 năm (1992-2017).
          Năm 1992, đầu tiên trường thành lập là trường Cơ bản Phật học Bình Định, nay là trường Trung cấp Phật học Bình Định tại Tu viện mang tên Tổ sư Nguyên Thiều, khai sơn Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, Tổ đình Quốc Ân, Tổ đình Hà Trung ở Thừa Thiên Huế giữa thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ đầu tiên khai sáng Phật giáo miền trung, dấu chân của Tổ còn truyền đến tận miền Nam vào những năm cuối của thế kỷ 17 (xem Lịch sử Tổ đình Thập Tháp của T. Viên Đạt biên soạn năm 1989, xuất bản 2015, tài liệu đầu tiên của tổ đình Thập Tháp).
 Đệ tử của Tổ là Ngài Minh Giác hiệu Kỳ Phương hoằng pháp khắp xa gần, khai sơn Tổ đình Thiên Đức Tuy Phước, Tổ đình Thắng Quang Hoài Nhơn, Tổ đình Thanh Sơn Hoài Ân, Tổ đình Giác Lâm, Tổ đình Giác Viên miền Nam. Kệ phái Nguyên Thiều dòng Tổ Định Tuyết Phong truyền thừa rộng ở miền Nam và Thừa Thiên Huế.
          Phật giáo Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung mang 3 dòng kệ chính: kệ phái Nguyên Thiều - kệ phái Minh Hải - kệ phái Liễu Quán.
          1. Kệ phái Nguyên Thiều siêu Bạch: Tổ sư  mang hai Kệ phái :
  • Kệ phái Tổ Định Tuyết Phong : Tổ có Pháp danh Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn đời Pháp thứ 33, truyền thừa từ Tổ đình Quốc Ân Thừa Thiên Huế, đến nay là đời thứ 43 HT Thích Trung Hậu đệ tử Trưởng lão HT Thích Trí Quang đời thứ 42 theo Kệ: Đạo Bổn NGUYÊN Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên . . .
  • Kệ phái Đạo Mẫn Mộc Trần : Tổ có Pháp danh Siêu Bạch hiệu Hoán Bích đời Pháp thứ 33, truyền thừa từ Tổ đình Thập Tháp, đến nay là đời thứ 44 chữ QUANG như Đại đức Quang Sơn, Sư cô Quang Liêm Gia Lai theo Kệ: Tổ Đạo Giới Định Tông, Phương Quảng Chứng Viên Thông, Hành SIÊU Minh Thật Tế, Liễu Đạt Ngộ Chơn Không, Như Nhật Quang Thường Chiếu . . .
2. Kệ phái Minh Hải Pháp Bảo: Từ Kệ phái Đạo Mẫn Mộc Trần đời thứ 34:  Hành Siêu MINH Thật Tế . . . theo thứ lớp của Kệ phái thì Chữ MINH thứ 34 nếu không đệ tử cũng là con cháu chữ SIÊU của SIÊU BẠCH là Tổ sư Nguyên Thiều chiết ra Kệ phái Minh Hải Pháp Bảo truyền đến nay là đời thứ 45 chữ HỮU như Đại đức Hữu Thông Tuy Phước . . .  từ Kệ phái : Minh Thiệt Pháp Toàn Chương, Ấn Chơn Như Thị Đồng, Vạn Hữu Duy Nhất Thể ( hoặc Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu . . . )
3. Kệ pháp Thiệt Diệu Liễu Quán: đời thứ 35 từ Kệ phái Minh Hải Pháp Bảo:  Minh THIỆT Pháp Toàn Chương . . . cũng là đời thứ 35 từ Kệ Phái Đạo Mẫn Mộc Trần: Hành Siêu Minh Thiệt Tế . . . chiết ra Kệ phái Thiệt Diệu Liếu Quán truyền đến nay là đời thứ 48 chữ BỔN như Sư cô Bổn Tịnh Tuy Phước . . . từ Kệ phái: Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong.
Bình Định có hai vị Hòa thượng cũng chiết hai kệ phái:
HT Chơn Giám Trí Hải chùa Bích Liên An Nhơn với kệ phái:
Chân ngọc hồng sơn chiếu, Trừng châu bích hải viên.
Lý minh tri diệu tánh, Trí mật ngộ tâm huyền.
Tịch duyên hoài túy liễu, Lạc quốc ngự kim liên.
Thánh cảnh quy lai nhật, Tông phong chấn cổ truyền.
HT Chơn Phước Huệ Pháp chùa Minh Tịnh Tp Qui Nhơn với kệ phái :
Chơn như giác tánh hải, Ứng hóa tổng tùy duyên.
Trang nghiêm vạn đức mãn, Bình đẳng nhất thể viên.
Minh huy siêu nhật nguyệt, Tịnh tịch biến tam thiên.
Huệ quang đằng pháp giới, Đạo mạch quảng không truyền.
Tu viện Nguyên Thiều được thành lập năm 1959 bỡi 11 thành viên, hầu hết đã viên tịch, chỉ còn lại một vị là Trưởng lão HT.Thích Ngọc Lộ. Tu viện Nguyên Thiều là cơ sở Giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài trong nhiều thập niên từ Phật học viện Nguyên Thiều song hành với Phật học viện Phước Huệ Tổ đình Thập Tháp. Hiện nay nhiều vị lãnh đạo Phật giáo các tỉnh có  vị là cựu Tăng sinh xuất thân từ Phật học viện Nguyên Thiều Bình Định.
Nằm trên sườn đồi, nhìn thẳng về nơi tiếp giáp của 2 Quốc lộ: quốc lộ 1 chạy Bắc Nam; quốc lộ 19 chạy Đông Tây, điểm thường gọi là cầu Bà Di, đến cầu Bà Di là đến Tu viện Nguyên Thiều nơi có trường Trung cấp Phật học. Phía sau là sông Côn, từ An Thái chạy thẳng xuống Tuy Phước, cung cấp nước cho nhiều cánh đồng phì nhiêu. Phia phải là ngôi tháp Bánh Ít còn gọi là Tháp Bạc cao và đẹp nhất trong những ngôi tháp Chàm ở Bình Định tạo cho Tu viện Nguyên Thiều một phong cảnh vừa thơ mộng vừa huyền bí. Hòa thượng Kế Châu đã gửi ý vào trong “bài phú Tu viện Nguyên Thiều”:
- Nguyên Thiều chi vô tận tạng tai!
Thủy quang yêm ánh, sơn sắc thương mang, lạc hà cô vụ, thu nguyệt xuân thiên.
 Lạm vật kỳ hà như? Vạn tượng thành quy viên giác hải.
- Tu viện bất tư nghị cảnh hỷ!
Phong vận du dương, thọ hồn tiêu sái, cổ tháp hàn giang, tà huy thạch Phật.
Đạt quan chi ư thử ? Nhất thời toàn hiện diệu liên hoa.
Tạm dịch :
Nguyên Thiều của báu kho vô tận,
Nước trong ngần soi đến trời xanh.
Màu non sắc nước như tranh,
Chiều pha ráng nhạt vẽ thành ý thơ.
Trăng thu rọi sương mờ giăng mắc,
Tiếng nhạn kêu réo rắc đâu đây.
Vật-Ta, Ta-Vật tràn đầy,
Biển mênh mông nước sạch ngay hồng trần.
Cảnh giới Phật bao lần dạo bước,
Độ nhân gian cõi trược lội vào.
Vô ngôn bài Pháp tuôn trào,
Gió rung Tu viện ngạt ngào hương đưa.
Ngôi tháp cổ hững hờ than thở,
Dòng sông Côn lặng chở chiều tà.
Có nghe sóng gọi hồn ma,
Thấy chăng tượng đá thẫn thờ nghe kinh!
Cõi Tịnh độ âm thinh huyền nhiệm,
Tình nhân gian tắt lịm từ lâu,
Đại Viên Cảnh Trí nhiệm màu,
Nơi nơi sen nở tình sâu Đạo - Đời.
                                                T. Viên Đạt
( trích “ Long Bích Kế Châu thi liên tập” trang 340 của T.Viên Đạt xuất bản 2004)
Tu viện Nguyên Thiều không chỉ phong cảnh đẹp như vậy mà còn là nơi đạo tạo Tăng tài của Phật giáo Bình Định, nhiều thế hệ xuất thân từ đây có vị là giáo thọ như HT. Đồng Từ, HT. Đổng Quán, HT. Giác Lâm đã viên tịch, có vị là cựu học Tăng như HT. Quảng Hiển, HT. Thánh Tâm và còn nhiều vị đang hành đạo phương xa. Ngoài Phật học viện đào tạo Tăng tài mang tên Tổ sư Nguyên Thiều còn có trường Bồ đề mang tên Tổ sư là Bồ đề Nguyên Thiều trước năm 1975 tại Diêu Trì, đào tạo thế học.
Tiếp nối con đường giáo dục, đào tạo Tăng tài của Phật giáo Bình định, trường Trung cấp Phật học khai khóa đầu tiên năm 1992, đến nay đã 7 khóa và 25 năm trải qua nhiều thế hệ. Tăng Ni sinh khóa 1, khóa 2 đang hành đạo  trong và ngoài nước, nhiều vị đã thành danh, khai tạo tự viện khang trang rộng lớn, hướng dẫn cả ngàn tín đồ Phật tử về tu học; có vị phục vụ giáo hội phật giáo huyện, tỉnh; có vị lãnh đạo cơ sở giáo dục tỉnh nhà. Đại Đức Thích Đồng Thành, cựu Tăng sinh khóa 1 của trơng, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học Ấn Độ trở về quê hương lãnh trách nhiệm Hiệu trưởng, hy sinh dấn thân cùng huynh đệ phục vụ bản trường. Hiện nay, Ban giám hiệu, Ban giáo thọ hầu hết là Tăng Ni sinh khóa 1, khóa 2, khóa 3 của trường đang từng bước phát huy, đổi mới  đường hướng giáo dục mà chư Tôn đức các thế hệ trước đã dày công vun đắp có kết quả như ngày nay.
 Từ con đường xuyên qua dốc vào trường và cung cách xây dựng, kiến thiết  khác xa 20 năm trước lúc tôi còn tới lui phụ trách các khóa đầu 1,2,3. Thuở  đó, con đường từ doanh trại bộ đội chạy ngang trước Tu viện là con đường đất sét, mùa nắng bụi bay ngút trời, mùa mưa thì lầy lội. Mỗi khi đến trường, chẳng những không cưỡi xe qua được mà dắt xe qua đường dốc cũng không xong. Muốn vượt  qua phải nhờ người đẩy xe lên sườn đồi tránh chỗ lầy lội ngay dốc, rồi mới xổ dốc được, vào đến trường thì chân tay, xe c đầy bùn đất, rửa chắc hơn thùng nước. Nay thì đường bê tông rộng, xe con chạy thẳng vào sân trường.
Trời mưa ướt lạnh, đường đi vất vả nhưng khi ngước nhìn lên tượng đức Thế Tôn thì lòng nhẹ nhàng quên hết những nỗi nhọc nhằn. Có một điều không thay đổi là đức Thế Tôn vẫn luôn nở nụ cười hiền hòa thân thiện! Còn nữa, từ lớp học Tăng hoặc Ni nhìn ra sân ta vẫn luôn bắt gặp ánh mắt yêu thương của mẹ hiền Quán Thế Âm. Nụ cười hiền hòa, anh mắt yêu thương luôn vây quanh Tăng Ni sinh, hỗ trợ và sách tấn: “Các con luôn tinh tấn và an tâm tu học”! Dù thời gian có thay đổi, Tăng Ni sinh luôn đến và đi không ngừng nhưng vẫn còn ngôi trường cũ, từng cánh hoa phượng vẫn cứ rơi khi tiếng ve sầu báo hiệu. Hình ảnh dễ thương của Tăng Ni sinh trong chiếc áo màu lam đang quét những cánh hoa rụng trong sân trường, sân Tu viện. Một bức tranh thủy mặc tuyệt vời!
Tu viện dương phong thùy tảo sái,
Nguyên Thiều hoa vũ lạc tân phân.
Tạm dịch:
Mưa rải Nguyên Thiều tung hoa Pháp,
Gió lay Tu viện tuyệt trần ai
                             ( trích Long Bích Kế Châu thi liên tập - T. Viên Đạt)
Khách đến thăm trường, vào đất tu viện nhìn trực diện kim thân đức Thế Tôn hùng vĩ. Trông về phía Tây là ngôi tháp Bánh ít im lìm nhìn mây trôi nước chảy và nhìn Tăng Ni vẫn đang tu học. Tất cả đều im lặng, im lặng như sấm sét (mặc như lôi), im lặng như lúc Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Duy Ma Cật luận bàn về Bất nhị Pháp môn, yên lặng như lúc vua A Xà Thế lần đầu tiên yết kiến đức Thế Tôn. Vua A Xà Thế giết cha là Tần Bà Sa la lên làm vua, sau hối hận việc làm đại nghịch bất đạo của mình, muốn xin sám hối nhưng không biết làm thế nào. Đại thần Kỳ Bà hướng dẫn vua đến gặp đức Thế Tôn xin Ngài chỉ dạy. Đức Thế Tôn cùng với 1.250 Tỳ kheo đang ở thành La Duyệt, nước Ma kiệt Đà, vườn xoài của đại thần Kỳ Bà. Vua A xà Thế vui vẻ đồng ý đi yết kiến đức Thế Tôn cùng với đại thần Kỳ Đà. Khi vua A Xà Thế và đòan tùy tùng đến vườn xoài thấy không khí thật yên tĩnh, A Xà Thế không tin nơi ở của 1.250 người sao lại lặng yên vậy nhưng khi vào sâu mới biết đúng là nơi trú ngụ của chư Tỳ kheo.
Im lặng tự nhiên! Im lặng chính là bước chân rón rén của con chim bồ câu mới mang lại bão tố. Bão tố nhưng vẫn im lặng. Im lặng của người tu sĩ là im lặng như chánh pháp và nói năng như chánh pháp. Im lặng và nói năng không đúng như chánh pháp thì không phải là tu sĩ, càng không phải là Tăng Ni sinh của trường Trung cấp Phật học.  
Nhưng muốn thực hành phương châm « im lặng như Chánh pháp và nói năng như Chánh pháp » phải thực tập xuyên suốt quá  trình tu học nghiêm túc. Chính im lặng tô bồi và un đúc nội tâm, những người biết thực hành im lặng đúng chánh Pháp thường là những người có thể gánh vát các Phật sự lớn …
Suốt quá trình tu học của Tăng Ni sinh 7 khóa đều im lặng và nói năng như Chánh pháp bằng Kinh Luật Luận để tu sửa thân khẩu ý trên con đường Giới Định Huệ. Giới nói gọn là thể hiện bản thân đúng với Chánh Pháp, muốn vậy phải dụng công đi tìm như Thiện Tài Đồng tử băng rừng vượt suối đi đến 53 cửa thành tham học, học đủ phương pháp im lặng và nói năng đúng Chánh Pháp. Sau khi gặp Bồ tát Văn Thù hướng dẫn đi tham học chư vị Thiện tri thức, từ chư vị Bồ tát, Thiện thần cho đến Cư sĩ đều tri ngộ và hội nhập nhiều Pháp môn lợi
Ích. Chỉ lần đầu tham học với Tỳ kheo Đức Vân đã thấy vất vả rồi. Phật Quốc Thiền sư trong tác phẩm Văn Thù chỉ nam đồ tán đã mô tả dấu chân đi tìm của Thiện Tài Đồng tử trong 53 bài thơ. Tỳ kheo Đức Vân đang đi kinh hành trên
núi Diệu cao, thế mà Thiện Tài đi tìm đến 7 ngày không thấy, đến ngày thứ 7 mới gặp.
Đức Vân thường tại Diệu Cao phong,
Hành nhiễu phong đầu bất định tung.
Thất nhật ký vân tầm bất kiến,
Nhất triêu hà cố khước tương phùng . . .
Dịch :
Đức Vân ở núi Diệu phong cao,
Đỉnh núi đường mây chẳng định nào.
Bảy bữa ngóng trông tìm chẳng gặp,
Nào ngờ một sớm thỏa mong sao . . .
Tu học khó vậy! khó mới nói năng đúng Chánh pháp, hoàn thành quá trình tu giới. Giới có rồi thì nội tâm vững mạnh, có đủ 72 phép thần thông, đến đi tự tại bằng « cân đẩu vân » chứ không còn « đằng vân » tức là vượt thẳng chứ không còn theo trình tự nữa, là trực chỉ chân tâm vậy. Huệ từ đó phát sanh, tự tại vô ngại, hòa quang đồng trần, thỏng tay vào chợ. Huệ vốn có sẵn trong tâm nhưng chưa phát sanh vì chưa hoàn thành được Giới và Định. Huệ là tự tánh của mỗi người không phân biệt sang hèn, chính vì vậy mà Lục Tổ Huệ Năng ngạc nhiên khi khám phá ra và thốt lên : « Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh ! nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ ! nào ngờ tự tánh vốn không lay động ! …». Tăng Ni sinh tất cả khóa đều phải quyết tâm trau dồi Giới Định để khám phá ra Huệ mới hoàn thành trách nhiệm của người Sứ giả Như Lai dù con đường tu học còn nhiều khó khăn, dù sinh hoạt của trường Trung cấp Phật học còn thiếu thốn nhưng so với thời gian qua, điện nước, phương tiện sinh hoạt cứ khóa sau tiến bộ và đầy đủ hơn khóa trước là tốt rồi. Đời tu sĩ không nên đòi hỏi nhiều vì « tam thường bất túc » dù gặp nhiều rắc rối vẫn một lòng hương về Phật Pháp sẽ được tháo gỡ.
Tôi nhớ thời còn dạy khóa III, cuối tháng giêng năm 2003 thì phải. Lúc đó Ni sư Như Phương làm Quảng chúng, quản lý chặc chẽ sinh hoạt của Ni chúng nhất là điện nước vì sử dụng nước thì Ni gấp đôi Tăng. Do vậy nên phải đào thêm một giếng nước nữa mới đủ chi dùng, khi hoàn thành cũng thủ tục cúng kính đầy đủ. Để chuẩn bị cho mùa an cư 2003, Ni sư Như Phương cho Ni chúng thử nước xem có tốt không nhưng moteur không nổ, gọi thợ sửa vẫn ì ạch lúc nổ lúc không , đổi moteur mới vẫn bất trị, thậm chí Ni sư gọi thợ quen ở Gia Lai xuống sửa mà nó vẫn không nổ. Không tin, Ni Sư mượn moteur bên Tăng đang sử dụng tốt về chạy. Vẫn không nổ, bó phép ! Bèn nghĩ về tâm linh nhưng cũng đã cúng tạ rồi.
Hôm đó là giờ dạy của tôi,  Ni Sư và Ni chúng trình bày sự việc, tôi nghe qua ngạc nhiên và phân vân không biết nói gì, tiếp đó Ni Sư thỉnh tôi chẩn tế cầu nguyện. Tôi từ chối vì chưa biết sự việc thế nào, vả lại lý đâu moteur không nổ mà chẩn lại nổ trừ trường hợp kẻ âm phá và muốn gì đây. Lại nữa, tôi không chuyên gia trì, vạn bất đắc dĩ nơi nào không từ được tôi mới nhận lời. Tôi nói với Ni Sư việc moteur không nổ là việc chuyên môn của máy móc thuộc sự kiện vật lý, còn chẩn tế thuộc sự kiện tâm linh đâu liên hệ nhau nhưng Ni Sư vẫn một mực thỉnh cầu và nói rằng thầy cứ chẩn nếu moteur không nổ xem như chúng con cầu an cho Ni chúng và cầu siêu cho chư hương linh xa gần. Tôi nhận lời, hứa sau một tuần để có thời gian gia công chú sa cầu nguyện nên nói với Ni Sư, Ni chúng rằng nếu moteur không nổ thì không phải do tôi.
 Sau một tuần, tôi xuống cư xá Ni cùng với Kinh sư đăng đàn chẩn tế, tôi còn nhớ có quí thầy : thầy Quảng Dũng Phù Cát làm Tả bạch, còn có thầy Nhuận Hồng, thầy Quảng Ngọc … 6 vị.  Tôi gia tâm cầu nguyện, tán sa thỉnh chư hương linh trong ngoài khu vực về thọ lễ và nghe kinh pháp hộ trì cho cư xá Ni vạn sự cát tường. Thế là việc yêu cầu của Ni Sư Như Phương và Ni chúng, tôi đã hoàn thành, chỉ còn chờ kết quả.
Ba ngày sau, đến giờ tôi dạy, đến cư xá Ni nghe Ni chúng báo là moteur nổ. Thật bất ngờ và linh nghiệm ! Cũng vì thế mà cố HT.Tịnh Nhãn khi còn tại thế cứ gọi tôi là « ông thầy moteur ». Một kỷ niệm còn đọng lại trong ký ức tôi cho đến nay. Đó là sự kiện tâm linh.
Còn một sự kiện vui nữa là thơ văn tài tử … mà hôm nọ Đại Đức Đồng Kim có nhắc khi đến chùa Giác Nguyên cùng với Đại Đức hiệu trưởng, Đại Đức thư ký thỉnh tôi dự lễ 25 năm của trường và viết bài cho Kỷ yếu. Sự việc thế nầy :
Tối hôm đó là văn nghệ tất niên của khóa 2 tổ chức hoành tráng, có giàn nhạc đầy đủ. Tôi ngồi bên cố HT. Đồng Hạnh lúc bấy giờ là hiệu phó của trường, buổi văn nghệ đang diễn ra vui vẻ, HT đề nghị tôi mỗi người làm một bài thơ đưa học trò lên ngâm. Sau một lúc làm thơ, HT đưa cho Ni sinh Sơn Thái lên ngâm, tôi xin lên trước và tự ngâm. Ngâm có nghe được hay không tôi cũng không biết nhưng nghe đàn sáo du dương và tiếng vỗ tay vang dội, phấn khởi nên tôi diễn hết luôn. Vui vẻ cùng học trò, thấy mình trẻ trung thật. Đến bây giờ có vài Tăng Ni vẫn còn nhớ bài thơ nầy. Tôi ghi lại bài thơ với tựa đề  « TÂM HOA »   để kết thúc bài viết nầy :
Thầy viết cho cho con bài thơ đạo,
Nhuộm tình thương thành chiếc áo màu lam.
Đem từ bi tung rải khắp thế gian,
Biến tất cả chan hòa niềm vui đạo lý.
Thầy gửi con một hồn thơ như ý,
Trút âu lo thay bằng tiếng kinh cầu.
Giữa dòng đời ai biết được nông sâu,
Đèn Giác ngộ tỏa tận cùng địa ngục.
Thầy khuyên con giữa thành đô đa dục,
Đóa sen hồng vươn khỏi chốn bùn nhơ.
Dù thế gian bao ngôn ngữ phỉnh phờ,
Tâm Đạo vững bình minh ngời ánh sáng.
Thầy cho con một tình thương lai láng,
Trọn tâm tư bằng chút nghĩa đệ sư.
Và nhớ mãi Niềm tin con gắng giữ,
Chiếc áo màu lam, “ một đóa hoa lòng”.
Lúc đó gửi tặng Tăng Ni sinh khóa 2 nhưng giờ viết xin “ gửi tặng Tăng Ni sinh các khóa trước và sau”.
                                      Giác Nguyên đầu tháng 8 năm 2017
                                                          T. Viên Đạt
 
  
 
File đính kèm

Tác giả bài viết: HT. Thích Viên Đạt

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://phathocviennguyenthieu.vn là vi phạm bản quyền
 Tags: dấu xưa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Videos
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay585
  • Tháng hiện tại3,050
  • Tổng lượt truy cập759,294
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây