Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định - 25 Hình Thành và Phát Triển

 I. Dấu Ấn Phật Giáo Bình Định
Theo các nguồn sử liệu, trong suốt nhiều thế kỷ thời Trung Cổ, Bình Định vốn là một mảnh đất gắn liền với hai nền văn hóa Champa và Đại Việt. Sự tương hệ giữa hai quốc gia này trải qua nhiều thăng trầm mà điểm son của nó là sự vân du hành đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông đến vương quốc Champa vào năm Tân Sửu (1301).
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết đức Phật Hoàng đã đến Champa vào tháng 3 và trở về vào tháng 11 năm Tân Sửu. Trong hơn tám tháng lưu trú tại Champa, đặc biệt là kinh đô Đồ Bàn (Vijaya, nay thuộc xã Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định), với vai trò của một lãnh đạo quốc gia (Thượng hoàng), đồng thời là một Tăng sĩ, đức Phật hoàng đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của một mà ngoại giao mang hòa bình đến hai quốc gia, đồng thời cũng là một nhà hoằng pháp Phật giáo, hằng ngày đi khất thực, đem Chánh pháp truyền bá trong dân gian, tháo gỡ nội kết, xua tan tà kiến mê muội, mang lại sự an tịnh trong tâm thức của người dân Champa. Đạo hạnh cao vời của đức Phật hoàng đã khiến cho vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) hết sức kính trọng, thỉnh mời về kinh, dâng cúng trai lễ, tham vấn đạo lý. Đến khi Phật hoàng trở về, vua Chế Mân sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn Ngài về nước. Sau khi trở về Đại Việt, đức Phật hoàng đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, kinh đô Đồ Bàn trải qua nhiều biến cố lịch sử oai hùng và bi thương, đời sống văn hóa tôn giáo do đó cũng thăng trầm theo thời cuộc. Biến cố lịch sử trọng đại xảy ra là vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn lục, thủy quân hùng mạnh sang đánh Champa, phá hủy thành Đồ Bàn và kể từ đó biên giới Đại Việt được mở rộng Nam tiến đến phía bắc đèo Cù Mông.
Tháng 07 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn. Danh xưng này được đổi thành phủ Quy Ninh vào năm 1651 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, nhưng sau đó lại được đổi thành Quy Nhơn dưới thời chúa Nguyển Phúc Khoát và triều đại Tây Sơn. Từ năm 1799-1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi tên thành Bình Định.
Đến hậu bán TK XVII, một sự kiện quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tâm linh tôn giáo tại Bình Định, đó việc Tổ sư Nguyên Thiều đến đồi Long Bích, cạnh suối Bàn Khê, ngoại viên thành Đồ Bàn lịch sử để khai sơn tổ đình Thập Tháp Di Đà. Sự xuất hiện của Tổ sư Nguyên Thiều với sự truyền thừa và hoằng pháp của Ngài đã khơi nguồn cho sự phát triển của Phật giáo tại quê hương Bình Định. Kể từ đó Phật giáo Bình Định vươn vai hòa nhịp cùng dòng chảy của Phật giáo Việt Nam.
II. Đôi nét về Phật giáo Bình Định nữa đầu TK XX
Khác với thời đại vàng son Lý – Trần (TK X-XIV), dưới thời Lê – Nguyễn (TK XV-XIX) Phật giáo không còn được xem là tôn giáo chủ đạo của quốc gia. Các bậc vua chúa thời bấy giờ xem trọng và đề cao Nho học, do đó dần dần Nho gia chiếm ưu thế trong vai trò cố vấn chính trị.
Đến cuối TK XIX và đầu TK XX, với sự xâm lược và đô hộ của chủ nghĩa thực dân, Phật giáo ngày càng suy vi, tình trạng thất học trong Tăng chúng ngày càng gia tăng. Đứng trước tình hình đó, vào nữa đầu TK XX, các bậc cao Tăng thạc đức và nhân sĩ trí thức Phật giáo Việt Nam đã đồng loạt kêu gọi việc chấn hưng Phật giáo.
Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo đang diễn ra trên toàn quốc, tại Bình Định, nhiều bậc cao Tăng như Quốc Sư Phước Huệ, Pháp sư Phổ Huệ, HT. Trí Hải Bích Liên, HT. Liên Tôn Huyền Ý, Pháp sư Trí Độ, v.v…đã dấn thân quên mình vào sự nghiệp đào tạo Tăng tài, thành lập các hội Phật học, mở các lớp Phật học và Phật học đường, thuyết giảng kinh điển, sáng lập và biên tập tạp chí, báo chí Phật giáo, gởi Tăng chúng đi học,v.v… đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, các Phật học đường, Phật học viện nhiều cấp được hình thành tại các tổ đình, tự viện trong tỉnh nhà như Thập Tháp, Long Khánh, Thiên Đức, Nhạn Sơn, Hưng Long… tạo nên một sinh khí mới mẻ cho hoạt động giáo dục Phật giáo tại bản tỉnh. 
Một sự kiện lớn đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử giáo dục Phật giáo tỉnh nhà, đó là sự hình thành Tu viện Nguyên Thiều vào ngày 15 tháng 8 năm Mậu Tuất (27-09-1958). Sự ra đời của Tu Viện Nguyên Thiều thể hiện tầm nhìn xa của chư Tôn Trưởng lão tỉnh nhà trong sự nghiệp phát triển lĩnh vực giáo dục Phật giáo. Kể từ đây Phật giáo Bình Định có được một tòng lâm chuẩn mực để chuyên tâm trong lĩnh vực đào tạo Tăng tài.
Trong suốt thời gian gần 15 năm (1961-1975), kể từ khi khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 06-03-1961, dù trải qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, Tu Viện Nguyên Thiều đã trở thành một Phật Học Viện uy tín, tiêu chuẩn, đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài tham gia nhiều Phật sự khác nhau trên toàn quốc, góp phần xây dựng cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày một huy hoàng hơn.
Từ những tác động khách quan chung, cũng như bao Phật học viện khác trên toàn quốc, sinh hoạt giảng dạy tại Phật Học Viện Nguyên Thiều bị gián đoạn suốt 17 năm dài (1975-1992). Trong khoảng thời gian đó, Hòa thượng Đệ nhất trú trì và chư Tăng thường trú cũng như Chư Tôn đức tại tỉnh nhà vẫn luôn chăm sóc, giữ gìn cơ sở Tu Viện với ước mong thấy được sự hồi sinh của hoạt động giáo dục.
III. Quá trình hình thành và phát triển của Trường TCPH Bình Định
1. Nhân duyên thành lập trường
Kể từ sau năm 1975, việc sinh hoạt tu học tại các tự viện trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, số lượng người xuất gia giảm hẳn, việc học tập nội điển của hàng xuất gia trẻ chủ yếu mang tính gia giáo. Các lớp Phật học gia giáo lần lượt được mở tại các Tổ đình Thập Tháp, Long Khánh, Thiên Đức, Thiên Bình, chùa Bình An, v.v… Một số đạo tràng an cư trong tỉnh cố gắng thiết lập chương trình tu học miên mật trong ba tháng mùa hạ, ưu tiên dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy kinh, luật, luận cho các hành giả an cư.
Từ năm 1987, tiếp nối sự ra đời của các Trường Cao Cấp Phật học trước đó, các trường Cơ Bản Phật Học tại nhiều địa phương được mở ra, nền giáo dục Phật giáo Việt Nam bắt đầu đi vào hệ thống.
Vốn luôn chú trọng đến việc đào tạo Tăng Ni và mang nhiều tâm huyết đến lĩnh vực giáo dục Phật giáo, chư Tôn Đức tại Bình Định luôn ưu tư đến vấn đề khôi phục lại các Phật học viện, làm sao tổ chức việc học tập trong thời gian sớm nhất. Với tâm nguyện đó, vào năm 1989, dưới sự điều hành của HT. Thích Kế Châu, BTS Tỉnh Hội PGBĐ đã cung thỉnh chư Tôn đức trong tỉnh vân tập để bàn kế hoạch mở Trường Cơ Bản Phật Học.
Sau hơn hai năm vất vả liên hệ, xin phép, tiến hành các thủ tục xin mở trường, thống nhất việc cơ cấu nhân sự với Trung Ương Giáo Hội và các cấp chính quyền, được sự chuẩn thuận của Trung Ương Giáo Hội, Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương, và sự đồng thuận của UBND tỉnh Bình Định qua quyết định số 777/QĐ-UB ngày 09-02-1992, Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức lễ khai giảng khóa I Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định vào ngày 16-09-1992 (20-08- Nhâm Thân) tại Tu Viện Nguyên Thiều trong niềm hỷ lạc vô biên của chư Tăng Ni và Thiện tín Phật tử gần xa.

2.Tổ chức giảng dạy  
Kể từ khi thành lập đến nay, theo truyền thống của trường, các Tăng Ni sinh muốn vào học chính thức của trường phải dự kỳ thi tuyển sinh với hai môn Phật pháp và Việt văn.
Khi mới thành lập trường, chư Tôn Đức trong Ban Giám Hiệu (BGH) với bao nhiệt huyết ấp ủ khi nay đã đôn đốc, quán xuyến và điều hành tốt đẹp mọi công việc của trường, từ việc soạn thảo giáo trình, lên lớp giảng dạy, thành lập thư viện, trang bị sách giáo khoa, chăm lo đời sống nội trú, kiến thiết khuôn viên, sửa sang xây dựng cơ sở, ngoại giao chính quyền và các mạnh thường quân, v.v…Việc tổ chức giảng dạy một lúc hai chương trình nội điển cho 144 Tăng Ni sinh và ngoại điển cho 39 vị  trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và nguồn tài chính còn eo hẹp quả là một khó khăn không nhỏ.
Chư vị giáo thọ sư trong Ban Giáo Thọ (BGT) với sở học uyên thâm nội điển nên việc giảng dạy các môn kinh, luật, luận, sử, Hán văn đều tạo một sinh khí sôi đông, phấn khởi trong lòng Tăng Ni sinh. Hầu hết các ngài đều trụ trì các tự viện ở xa Tu Viện nên mỗi lần về Nguyên Thiều giảng dạy hay dự lễ rất vất vả. Có những vị giáo thọ từ Quy Nhơn, Tây Sơn xa xôi phải đi sớm từ chùa mình để đến trường kịp giờ dạy; lại có vị đi dạy bằng xe đạp, mỗi khi đến dốc Tháp Bánh Ít đều phải dắt bộ qua dốc thật gian nan, nhất là ngày hè nắng gắt hay mùa đông mưa bão, mỗi lần đạp xe đến lớp thì mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt đẫm. Không chỉ truyền trao kiến thức Phật pháp, chư vị giáo thọ còn chia sẻ những kinh nghiệm học, những triết lý sống cao đẹp, nếp sống  thiền môn, nghệ thuật ứng xử nhà Thiền, bình dị mà thâm thúy, dễ đi vào lòng người nghe, tạo một tình thầy trò rất ấm áp, thân tình.
Chương trình học ngoại điển do các giáo viên Trưởng Trung Học An Nhơn I đảm trách thông qua sự chuẩn thuận của Sở Giáo Dục Đào tạo Bình Định. Đến khóa IV, nhà trường chỉ nhận Tăng Ni sinh có trình độ tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học nên việc giảng dạy ngoại điển tạm dừng.
Kể từ năm 2000, theo sự chỉ đạo của Trung Ương Giáo Hội, danh xưng của trường được đổi thành Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định.
Kể từ năm 2011, Chư Tôn đức tỉnh đã quyết định trao công tác giáo dục của trường cho Tân Ban Giám Hiệu vốn là Tăng Ninh sinh khóa I (1992-1996) của trường. Được sự giúp đỡ trực tiếp và tận tình của Ban Trị Sự PG tỉnh, tân Ban Giám Hiệu đã đã dần làm quen với công việc điều hành giảng dạy, tạo một sinh khí mới cho sinh hoạt giáo dục của trường.
Từ khóa VII trở đi, nhằm theo dõi sát sao tinh thần học tập và nâng cao chất ượng giáo dục, nhà trường đã tổ chức bốn lớp học (hai lớp Tăng, hai lớp Ni) tại bốn giảng đường khác nhau. Nội dung giảng dạy các môn học luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn chương trình giáo dục hệ Trung cấp của Ban GDTN TW. Mỗi lớp học đều có vị chủ nhiệm theo dõi mọi sinh hoạt và thái độ học tập của mỗi Tăng Ni sinh. Các vị thầy giáo thọ được yêu cầu khi dạy phải soạn giáo án đầy đủ và trong mỗi học kỳ đều phải có các cột điểm hệ số 1 và 2 đầy đủ trước các kỳ thi. Điểm chuyên cần được quy định thành một một cột điểm chính thức, có giá trị như các môn khác trong mỗi học kỳ. Trong mỗi kỳ thi, nhà trường đã sắp xếp 05 phòng thi rộng thoáng, mỗi bàn dành cho một thí sinh ngồi vào vị trí đúng với số thẻ báo danh. Các kỳ thi diễn ra rất nghiêm minh, công bằng và thành công tốt đẹp.
Mỗi năm nhà trường đều tổ chức lễ tổng kết phát thưởng và khai giảng năm học mới, tạo sinh khí hoan hỷ cho các Tăng Ni sinh. Cuối mỗi khóa, nhà trường đều tổ chức Lễ tốt nghiệp với các nội dung rất phong phú và ấn tượng.
Để tạo điều kiện cho các thế hệ Tăng Ni trẻ tham gia Phật sự của trường cũng như để tạo sinh khí mới trong việc giảng dạy Tăng Ni sinh, nhà trường luôn thỉnh mời thêm nhiều vị giáo thọ mới tham gia việc giảng dạy.
Hệ thống nhà trường hiện nay được chia làm bốn Ban: Ban Giám Hiệu, Ban Giáo Thọ, Ban Quản Chúng và Ban Thư Viện. Tổng số các vị trong các ban này là 30 vị, tất cả đều là cựu Tăng Ni sinh các khóa của trường. Toàn bộ chư vị giáo thọ đều có trình độ cử nhân, trong đó có 3 vị có trình độ Tiến sĩ, 3 vị có trình độ Thạc sĩ.

3.Đời Sống Nội Trú
Kể từ khi thành lập trường, vấn đề chăm lo đời sống nội trú hoàn toàn miễn phí cho Tăng Ni sinh là mối quan tâm hàng đầu của BGH. Thể theo sự kiền thỉnh của BGH, nhằm hỗ trợ sự nghiệp giáo dục của trường, một Ban Bảo Trợ của trường gồm 15 vị, do HT. Thích Phước Thành làm trưởng ban, được hình thành.
Ban Bảo Trợ cùng chư Tôn đức và Quý Mạnh thường quân gần xa, trong và ngoài nước cùng hướng về trường bằng tất cả trách nhiệm, nhiệt huyết cao cả. Có rất nhiều bậc Tôn đức, nhiều vị Phật tử trong và ngoài nước như Bồ-tát vô danh âm thầm lo cho trường và việc nuôi dạy Tăng Ni, kể từ ngày khai giảng khóa I cho đến khi chư vị ấy thuận thế vô thường mà lòng vẫn hướng về trường.
Đặc biệt có những bậc Tôn túc ở hải ngoại, dù gặp nhiều khó khăn khi hành đạo nơi xứ người, nhưng vẫn luôn ủng hộ tài chánh cho trường trong suốt 25 năm qua. Nhiều bậc Tôn túc đã ủng hộ tài chánh cho trường từ ngày thành lập cho đến tận hôm nay, chưa bao giờ gián đoạn như HT. Thích Quảng Ba tại Úc Châu và Sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh tại Hoa Kỳ.
Thực hiện quy chế của một Phật học viện, bên cạnh việc tổ chức nội trú, nhà trường còn cung cấp sách giáo khoa, phương tiện học tập mỗi năm cho toàn thể Tăng Ni sinh. Số lượng Tăng Ni sinh trong các khóa sau này khá đông, mỗi tháng nhà trường phải gia tăng các khoản chi tiêu với số lượng tài chánh lớn cho các sinh hoạt căn bản của trường. Ban Quản chúng hai khu hạn chế tối đa việc đi lại của Tăng Ni sinh, hướng dẫn tu tập nghiêm túc theo thời khóa, tổ chức việc chấp tác, làm vườn trồng rau quả, hỗ trợ cho nguồn thực phẩm và trang nghiêm cảnh quan nhà trường.


4.Kiến thiết xây dựng
Ngay từ khóa I, với sống lượng Tăng Ni đông đảo, vì khu nội trú quá thiếu thốn, nhà trường phải mượn Tu Viện một số phòng ốc để làm chỗ ở tạm, Tăng sinh phải sống tập thể đông đảo, chật chội trong những căn phòng nhỏ thấp.
Các Ni sinh vì chưa có Ni xá nên phải trú tạm tại chùa Thiên Hòa tại thôn Tri Thiện, bên kia sông Côn, mỗi lần đi học phải lội sông, đi hơn 2 km để đến lớp học. Vì phòng ốc thiếu thốn nên Tăng Ni phải học chung một giảng đường.
Trước tình cảnh đó, BGH khóa I đã sớm xúc tiến việc xây dựng thêm khu Tăng Xá và các công trình phụ, xây tường bao quanh bảo vệ an ninh trường và đặc biệt mua đất và xây mới khu Cư Xá Ni phía sau khu đồi Tôn tượng Đức Bổn Sư. Vì số lượng Ni sinh quá đông, nên sau đó nhà trường lại mua thêm dãy nhà tập thể của các hộ dân sau lưng Tu Viện, sửa sang thành khu Ni Xá cho Ni sinh.
Sau khóa I, BGH tiếp tục xây dựng hoàn thiện toàn bộ khu bờ tường kiên cố bao quanh toàn bộ khuôn viên trường và Cư xá Ni, xây 3 khu Tăng xá và công trình phụ tại vườn bạch đàn, xây khu nhà khách rất khang trang, khu thư viện, khu trai đường, nhà bếp, khu thiền thất và phòng hiệu trưởng.  
Từ năm 2011 đến năm 2017, tân BGH đã kiến thiết lại cảnh quan sân trường và xung quanh giảng đường chính, sửa lại khu nhà bếp, kiến thiết mới khu trai đường, kiến thiết bên trong khu phòng khách, xây thêm một số công trình phụ, kiến thiết giảng đường 2, xây mới một hội trường rộng 650 m2, xây mới khu thư viện rộng 200 m2, v.v…Khu Cư Xá Ni, tân BGH xây mới phòng khách, xây khu trai đường và phòng ở mới rộng 850 m2, xây mới hai khu nhà vệ sinh, mỗi khu rộng 250 m2, đổ bê-tông con đường vào cư xá, v.v…Đại đức Thích Đồng Ngộ, cựu Tăng sinh khóa I cũng đã phát tâm cúng dường một giảng đường mới rộng 200 m2 tại Cư Xá Ni.
Suốt 25 năm qua, nhà trường liên tục, chỉnh trang khuôn viên, mỗi năm đều kiến thiết thêm để làm sao tạo mỹ quan và cơ sở vật chất của trường ngày một hoàn thiện và tốt đẹp hơn. Nhìn tổng thể, trường nằm trong khuôn viên Tu Viện Nguyên Thiều rộng rãi, cây xanh bao phủ, yên tĩnh và thanh tịnh, có hai khu nội trú Tăng Ni riêng biệt, mỗi khu đều có chánh điện, thiền đường, trai đường, thư viện, phòng lưu niệm, nhà khách, khu sinh hoạt thể thao, hệ thống phòng nội trú cho gần 300 Tăng Ni sinh.

5. Hành trì tu tập
Theo thanh quy của trường, đại chúng sống theo nguyên tắc lục hòa, lấy giới luật làm tiêu chí để tự sách tấn. Mỗi ngày đại chúng thức dậy lúc 3g30 bắt đầu tọa thiền, sau đó công phu, tảo thực, chấp tác, học tập, thọ trai nghe pháp, nghỉ trưa, buổi chiều học tập hoặc chấp tác, dùng dược thực, công phu, học bài, tọa thiền và an tức. Nếp sinh hoạt này đã được duy trì trong suốt 25 năm qua tại trường.
Từ khóa I đến giữa khóa VII, mỗi năm, dướng sự hướng dẫn nghiêm cẩn, mô phạm của Hòa thượng Đệ nhị trú trì Tu Viện, Tăng Ni sinh đã tập trung an cư tại hai trú xứ an cư Tăng và Ni tại Tu viện Nguyên Thiều. Đây là những đạo tràng an cư lớn nhất và mẫu mực trong tỉnh. Ngoại trừ một số Tăng Ni sinh ngoại trú, tất cả các Tăng Ni sinh của trường cấm túc an cư suốt 3 tháng hạ. Trong thời gian này các môn học được giảm bớt thời gian để tiện cho việc Tăng Ni sinh tu học đầy đủ theo nội quy trường hạ.

6. Các sinh hoạt khác
a. Lễ Tổ đầu năm
Ngày mồng 3 tết hằng năm, theo truyền thống của nhà trường, đại diện bốn lớp Tăng Ni sinh đã về các Tổ đình, tự viện trong tỉnh để lễ Tổ, đảnh lễ, khánh tuế và vấn an sức khỏe chư Tôn đức.
b. Ngày truyền thống
Nhà trường chọn ngày mùng 3 tháng 8 Âm lịch hằng năm, ngày húy kỵ của Cố Hòa thượng đệ nhất Trú trì Tu Viện Nguyên Thiều, làm ngày truyền thống để Tăng Ni sinh các khóa có dịp hội tụ cùng tri ân đến các bậc Tôn sư, Giáo thọ sư và trao đổi kinh nghiệm tu học và hành đạo, tạo một tinh thần hòa hợp đoàn kết cao đẹp.

c. Lễ hội Thành đạo
Kể từ khóa VI, như một truyền thống tu tập trong suốt những năm qua, cứ mỗi khi đến mùa Thành đạo, dù đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 1, nhưng chư Tôn đức và Tăng Ni sinh nhà trường luôn tổ chức lễ kỷ niệm và hoa đăng cầu nguyện trong đêm Thành đạo của đức Phật rất trang nghiêm và thiêng liêng.

d.Hội thi bích báo
Hằng năm, để chào mừng ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam, để tỏ lòng tri ân đến chư vị Giáo thọ, được sự cho phép của nhà trường, Tăng Ni sinh các lớp đã tổ chức làm bích báo và thi thuyết trình về bích báo. Ngày thi diễn ra sôi động với rất nhiều tờ bích báo với nhiều chủ đề khác nhau. Hội thi đã thành công và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đại chúng. 
e. Biên soạn nội san
Từ khóa VI trở đi, nhằm rèn luyện kỹ năng sáng tác và nâng cao kiến thức Phật học của Tăng Ni sinh, mỗi năm, đến mùa Thành đạo và chuẩn bị đón mừng xuân mới, nhà trường kêu gọi Tăng Ni sinh tham gia sáng tác, viết bài cho Nội San Nguyên Thiều. Mỗi năm số lượng bài sáng tác tăng thêm, ban biên tập đã tuyển lựa những bài viết có ý nghĩa và chất lượng tốt để biên tập và ra mắt nội san vào dịp tất niên của trường.
f. Liên hoan tất niên
Sau mỗi năm học và kết thúc các kỳ thi trong năm, vào những ngày cuối năm âm lịch, trước khi trở về bổn tự mỗi vị đón mừng xuân mới, thầy trò trường Nguyên Thiều đã ngồi lại bên nhau để lắng nghe, để chia sẻ những kỷ niệm vui buồn, những sự kiện trong năm qua và trao nhau những lời động viên, sách tấn và lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới sắp đến. Những thời khắc chuyển giao cuối năm của đất trời cũng như những giây phút sắp xa nhau sau một năm học luôn tạo nên những cảm xúc mãnh liệt, những tâm trạng bùi ngùi trong lòng mỗi người.

g. Giao lưu, tham quan
Vào thời điểm năm cuối mỗi khóa, nhà trường đã tổ chức chuyến hành hương, giao lưu và tham quan cho toàn thể chư Tôn Đức và Tăng Ni sinh. Thông qua chuyến đi, Tăng Ni sinh được chiêm bái các ngôi Già Lam cổ tự, đảnh lễ vấn an sức khỏe và lắng nghe lời giáo huấn của Chư Tôn Đức tại nhiều địa phương và hiểu rõ hơn những đặc trưng văn hóa Phật giáo các nơi tham quan.
Nhà trường đã tiếp đón và giao lưu với nhiều trường TCPH khác, tạo sự liên kết, giao lưu giữa các trường TCPH với nhau. Ngoài ra, BGH cũng đã tiếp phái đoàn Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương về làm việc, tìm hiểu về trường, đồng thời lắng nghe ý kiến đề đạtc của trường.
Các đoàn Phật Giáo Đài Loan như Hội Đồng Tu Đài Bắc của HT. Thích Quảng Tâm, Học Viện Tam Tạng, Học Viện Viên Quang, v,v… cũng đã về trường nhiều lần để trợ duyên Phật sự và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.
Nhận lời mời của Phật Học Viện Viên Quang và một số Đại Học Phật giáo tại Đài Loan, chư Tôn Đức trong BGH và BGT do Đại đức Hiệu Trưởng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại 09 Học Viện và Đại Học Phật giáo tại Đài Loan từ ngày 23 đến ngày 30/12/2013. Qua chuyến đi, đoàn đã tìm hiểu hệ thống giáo dục Phật giáo, chương trình giảng dạy nội, ngoại điển tại các Phật học Viện và Đại Học Phật giáo, xúc tiến việc giới thiệu Tăng Ni sinh sang du học tại Đài Loan, theo đó tìm hiểu kiến trúc và mô hình xây dựng các Phật học viện tại Đài Loan để từng bước kiến thiết trường theo xu thế hiện đại.


h. Khám bệnh định kỳ
Kể từ khóa VI, mỗi năm, Tăng Ni sinh đã được các y bác sĩ tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh về khám sức khỏe, phát thuốc và hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe. Một số Tăng Ni sinh bị bệnh cá biệt cũng được các y bác sĩ hướng dẫn điều trị rất chu đáo.
Để nâng cao thể lực và chăm lo sức khỏe, nhà trường khuyến khích các Tăng Ni sinh siêng năng tập luyện thể dục thể thao, tạo sinh khí cho sinh hoạt tu học. Các giải thưởng Cup bóng đá Nguyên Thiều hằng năm, các trận thi đấu bóng chuyền luôn thu hút nhiều Tăng sinh tham gia.


i. Hỗ trợ các Phật sự
Hòa nhịp chung với các Phật sự tại tỉnh nhà, BGH, BGT và Tăng Ni sinh các khóa đã tham gia nhiệt tình các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà như các kỳ Đại Giới Đàn, Lễ Phật Đản, Lễ tang chư Tôn túc, Đại Hội Phật giáo Tỉnh, v.v... Với tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, BGH, BGT và các Tăng Ni sinh đã tham gia vào việc kiến thiết góp phần cho sự trang nghiêm và thành tựu của các Phật sự. 

IV. Thành tựu và trăn trở
Là một ngôi trường thuộc duyên hải miền Trung, nơi mà đời sống vẫn còn gian khó, nhưng tiếp nối chí nguyện của các bậc Cao Tăng và truyền thống Phật học vốn có bề dày của Tỉnh nhà, trong suốt 25 năm qua Trường TCPH Bình Định bằng nỗ lực tự thân đã vươn lên trong thử thách, gian khó, để rồi đào tạo được 7 khóa với số lượng 1087 vị tốt nghiệp. Trên toàn quốc hiện nay có 34 trường TCPH, tổng số Tăng Ni sinh tốt nghiệp hệ Trung Cấp cho đến thời điểm hiện nay là 9.484 vị. Như vậy, trường TCPH Bình Định đã góp phần đạo tạo một số lượng không nhỏ Tăng Ni sinh hệ Trung Cấp Phật học.

Một trong những điểm nổi bậc của trường là ngoài các vị xuất gia, tu học trong tỉnh, có rất nhiều Tăng Ni sinh từ nhiều tỉnh thành như Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. HCM, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ, v.v…về tu học rất đông. Có thể xem nhà trường như là một trong những điểm nối kết giữa Phật giáo tỉnh nhà và Phật giáo các tỉnh thành lân cận.
Niềm vui lớn nhất của Ban Giám hiệu, của các bậc Giáo thọ và chư vị Quản chúng của nhà trường là khi biết được nhiều thế hệ Tăng Ni xuất thân từ ngôi trường này đang từng bước trưởng thành trong đời sống phạm hạnh, biết vun bồi chí nguyện độ sanh, luôn nhiệt tâm phụng sự Chánh pháp trên mọi lĩnh vực, tham gia gánh vác nhiều Phật sự trong và ngoài nước. Nhiều vị đã tiếp nối con đường nghiên cứu Phật học, hơn 20 vị đã tốt nghiệp Tiến Sĩ, 50 vị tốt nghiệp Thạc sĩ, rất nhiều vị khác vẫn đang du học tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện.
Nhìn lại một phần tư thế kỷ đã trôi qua của trường, thầm niệm tưởng ân đức cao dày của các bậc cao Tăng thạc đức đã mở đường, chỉ lối và làm điểm tựa tinh thần cao quý để các thế hệ tiếp nối noi theo gương sáng của các Ngài mà dấn thân phụng sự cho sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Những thành tựu mà trường đã đạt được trong suốt 25 năm qua là một động lực tích cực để BGH nhà trường trau dồi niềm tin, vun bồi chí nguyện, tăng trưởng công hạnh, môt lòng phụng sự cho sứ mạng đào tạo mầm non Chánh pháp, tôi luyện những hạt giống Bồ-đề, từ đó mới có những thế hệ Tăng sĩ kế thừa thầy tổ, thực hiện trọng trách kế vãng khai lai, góp phần kiết thiết nhân gian tịnh độ. Những thành tựu khả quan có được trong chặng đường vừa qua của nhà trường hẳn nhiên không chỉ nhờ vào sự nổ lực của tự thân BGH, BGT, mà còn vào nhờ vào nhiều thuận duyên thù thắng khác, gần và xa, trực tiếp cùng gián tiếp, sôi nổi và âm thầm…tất cả đều hòa quyện trong bản giao hưởng nguyện lực vô biên, tạo nên một tấu khúc vô ngã để phụng sự cho sự nghiệp chung của Phật giáo tỉnh nhà.
Bên cạnh những thành tựu khả quan trong thời gian qua, BGH nhà trường cũng cũng luôn trăn trở trong việc làm sao chỉnh trang, xây dựng thêm một số hạng mục và đầu tư thêm thiết bị giáo dục tốt hơn để đáp ứng những nhu cầu giảng dạy hiện đại. Bên cạnh đó, nguồn quỹ nuôi dạy Tăng Ni thường không ổn định và rất khó vận động khi mà tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. Những biến đổi thất thường về tình hình thời tiết miền Trung cũng ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn cơ sở vật chất và tổ chức giảng dạy của nhà trường.
Sự tiến bộ vượt bậc các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin đang có những ảnh hưởng lớn đến đời sống và tư tưởng Tăng Ni trẻ, do vậy việc quản lý, điều hành một tập thể trẻ theo thanh quy của một truyền thống tâm linh cổ xưa sẽ là một thách thức lớn cho nhà trường. Để làm sao các Tăng Ni trẻ nuôi dưỡng và tăng trưởng chí nguyện tu học, giữ gìn sơ tâm, tìm thấy niềm vui chân thật trong đời sống thiền môn tòng lâm, chan hòa trong đại dương kinh tạng Chánh pháp, biết định hướng cho sự nghiệp tâm linh và phát khởi những hạnh nguyện vị tha, v.v… luôn là thao thức, là trăn trở và cũng là mục tiêu hướng đến của nhà trường trong trách vụ của mình.

Lời Kết

Hai mươi lăm năm là một chặng đường đủ để nhà trường có thể rút ra những kinh nghiệm trong việc quản lý giáo dục và đào tạo, thấy những những mặt khuyết, điểm ưu để từ đó có những điều chỉnh kịp thời và cần thiết, xây dựng những định hướng thích hợp, thực hiện những cải cách toàn diện hầu bắt kịp xu thế và phong cách giáo dục mới của thời đại hôm nay.

Lịch sử Phật giáo đã chứng minh rằng, mọi Phật sự xưa nay, ở bất nơi đâu, thời đại hay lĩnh vực nào đi nữa, nếu làm bằng trọn niềm tin kiên cố bất động nơi Tam Bảo, niềm tin vững chãi nơi chính mình, phát khởi đại nguyện hoằng dương chánh đạo, hướng đến tiền đồ Chánh pháp, gạt bỏ danh vọng, vị kỷ cá nhân, luôn an trú trong tâm niệm trên đền đáp bốn ân, dưới hóa độ muôn loài thì duyên lành sẽ hội tụ, Phật sự sẽ viên thành.
Mai này đi đâu về đâu, bao thế hệ Tăng Ni xuất thân từ Nguyên Thiều sẽ mãi khắc ghi bóng hình ngôi trường tâm linh trong trái tim với niềm tự hào và trân quý:
Ngôi tháp Bạc nghìn năm sừng sững,
Nước sông Côn lờ lững tháng năm,
Dòng đời bao cuộc nổi trôi,
Nguyên Thiều trầm mặc uy hùng tôn nghiêm.
Thôn Đại Lễ tình quê chân chất,
Đất Huỳnh Kim tâm đạo bao la,
Nâu sồng hội tụ gần xa,
Trường Trung Cấp ấy ngôi nhà tâm linh.
Hăm lăm năm đất lành ươm hạt
Bóng từ bi che mát sơ tâm
Bước chân hoằng hóa xa gần
Mái trường xưa vẫn trong tâm rạng ngời.

                                 
                                                                    ĐĐ. Thích Đồng Thành

 
Videos
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay622
  • Tháng hiện tại3,087
  • Tổng lượt truy cập759,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây